114 thí sinh với 330 bài thi đã được "ông bụt" Vũ Trọng Lương, Phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Giang nâng điểm. Không ít thí sinh được tặng thêm 20 điểm; cá biệt có em được "bụt" cho thêm đến 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Có thể nói gì đây khi mới đây, ngày 27-6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, khẳng định: "Không có cán bộ vi phạm kỷ luật, số lượng thí sinh vi phạm quy chế rất ít. Kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế".
Dù ngay từ lúc công bố điểm thi, dư luận đã hoài nghi về điểm số bất thường này nhưng ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, khẳng định mọi khâu về coi thi, chấm thi của Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang đều được thực hiện nghiêm ngặt, còn điểm thi thế nào phụ thuộc vào bài làm của thí sinh. "Nghi vấn được nêu là câu chuyện của đánh giá trên mạng, còn lại chúng tôi đã thực hiện đúng quy chế". Nhớ lại lời khẳng định này, bạn Hoang sahara đặt vấn đề: "Ngay sau kỳ thi thì Bộ GD-ĐT đã tuyên bố "thành công tốt đẹp"! Kỳ xét công nhận giáo sư, tiến sĩ cũng vậy, khi dư luận mới râm ran, họ cũng tuyên bố "đúng quy trình". Có nhiều nguyên nhân khi xảy ra điều tệ hại ở Hà Giang nói riêng và ngành giáo dục nói chung. Nhưng chắc chắn có 2 nguyên nhân không thể chối cãi, đó là quản lý tồi và tụt dốc đạo đức ngành giáo dục. Đầu tư 1 cái phần mềm chấm thi mà chỉ cần 1 người có quyền là sửa điểm được hết (!?). Đây là chuyện rất ngớ ngẩn khi xây dựng phần mềm".
Bạn Nguyễn Tuấn Khiêm cũng thắc mắc về chuyện đồng thanh "thi diễn ra bình thường" từ bộ đến sở. "Ông Phó GĐ Sở GD mới tuyên bố điểm như vậy là bình thường mà, vậy phải xem xét phát ngôn của ông này mới được". Với những phát ngôn thiếu trách nhiệm đó, nhiều người hoài nghi về tính công bằng và nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ông bà ta thường nói: "Một lần bắt được 100 lần không". Nhiều bạn đọc nghi ngờ là nếu gian lận điểm xảy ra ở Hà Giang, có khả năng cũng xảy ra ở các địa phương khác. Và nếu không xảy ra chuyện nâng điểm một cách quá tham lam mà chỉ nâng ít thì chắc sự việc không bị bại lộ.
Bạn Tèo hoài nghi: "Các tỉnh thành khác thì sao, nếu chỉ nâng cho vài em thì liệu có phát hiện ra không? Kiểu này con nhà giàu, cán bộ to muốn con thi điểm cao cũng đâu có khó khăn gì". Bạn Phuong cũng châm chích: "Nếu chỉ nâng cho 1 ít người và vài điểm thì không lộ rồi. Các năm, các nơi khác cũng có thể xảy ra. Học với hành, rõ khổ!". Còn đâu tính công bằng cho kỳ thi được đánh giá là nghiêm túc, quy mô và công bằng như Bộ GD-ĐT từng nhiều lần khẳng định. Bạn Nguyen cuong chua xót nói: "Nếu một người mà sửa được vậy thì còn gì giáo dục, các tỉnh khác thì sao. Vậy con quan chức sẽ được đậu hết vì dễ quá, con lao động nghèo sao đây". Bạn 4 nổ cũng đồng thuận: "Có thể các tỉnh đều có nâng điểm nhưng không "khủng" như Hà Giang thôi".
Ngành giáo dục sẽ giải quyết sự cố này như thế nào khi hiện nay theo điều tra mới chỉ phát hiện ông Lương phạm quy. Mà quy trình ông Lương sửa điểm chỉ mất có 6 giây cho 1 trường hợp. Liệu có thể tin nổi không về độ chuyên nghiệp nếu không nói là quá chuyên nghiệp cho một người làm quản lý như ông Lương! Theo nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động cần điều tra tiếp để bắt thêm những đồng phạm của ông Lương vì mình ông không thể nào thực hiện nhanh và trót lọt như thế được. Độc giả Minh đề xuất: "Ông Lương chắc chắn không thể làm một mình. Rõ ràng đây là một đường dây can thiệp thi cử có tổ chức ở Hà Giang và đã dùng các thủ đoạn này từ những năm trước mà không bị phát hiện. Cơ quan chức năng chắc không khó để phá đường dây này và xử lý thật nghiêm minh, bất kể là ai, để nền giáo dục chúng ta được trong sạch và phát triển". Bạn Bình loạn cũng không tin ông Lương có thể 1 mình thực hiện việc sửa điểm như vậy. "Kinh khủng thật. Không thể nào một mình mà làm chuyện này được, chắc có nhiều người tiếp tay. Thật xấu hổ cho những kẻ từng được gọi là thầy nay phải làm đày tớ cho danh, lợi và chức quyền...".
Để vụ xác minh được nhanh chóng, bạn Toan Tran gợi ý: "Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao. Vụ này phải có hàng chục cây dính vào, đề nghị di lý ông phó phòng này về Bộ Công an, để ông ở Hà Giang là không xong". Thậm chí theo một số người, cần khởi tố luôn những kẻ đã nhắn tin số báo danh con em cho ông Lương để nhờ ông này giúp đỡ như bạn Toan Tran nói: "Phải đưa vụ này về Bộ Công an để xử lý, phải truy cho được kẻ chủ mưu và những cá nhân hối lộ để mua điểm thi gian lận".
Nhiều người đã đề xuất cách xử lý khủng hoảng gian lận điểm thi. Trong đó có một chuyên viên gợi ý nên phát động tố giác trong thí sinh và giáo viên. Cho học sinh thực hành bài học về lòng trung thực ở một kỳ thi qua việc tố giác những việc sai trái. Một người Hà Giang giờ đã thấy xấu hổ thay cho người đồng hương- vị khảo thí nâng điểm quá tay kia huống hồ gì là những học sinh, thầy cô tại Hà Giang. Tổn thương tâm lý là điều không tránh khỏi. Ai sẽ là người bù đắp những tổn thương này cho các em, những thầy cô luôn tận tụy vì các học trò vùng sâu, vùng xa? Làm sao có thể lấy lại niềm tin đã mất vào ngành giáo dục, vào những kỳ thi được đánh giá là nghiêm túc, công bằng nếu còn những kẻ vụ lợi, vô lương tâm giết chết một ngành dục chậm phát triển và mãi cải tiến. Đây là một tội ác và khó có thể dung thứ cho tội ác này!
Bình luận (0)