Sau khi Báo Người Lao Động (số ra ngày 31-5 và 3-6) phản ánh tình trạng khai thác cát ở cửa sông Đà Diễn gây sập nhà dân, chủ đầu tư - UBND TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên - cho biết sẽ có công văn phản hồi vụ việc. Thế nhưng, hơn 2 tháng sau, báo vẫn chưa nhận được phản hồi nào. Đến khi phóng viên đề nghị thì ngày 11-8, UBND TP Tuy Hòa mới có công văn trả lời.
Thừa nhận thiếu sót
Trong công văn phản hồi, bà Đào Bảo Minh, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, cảm ơn Báo Người Lao Động đã kịp thời phản ánh, giúp UBND TP chỉ đạo công việc sát sao, chặt chẽ hơn nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân địa phương.
Trong công văn này, bà Minh cho rằng báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa đề cập chính xác về thông số kỹ thuật khối lượng cát cần nạo vét của hạng mục đường công vụ. Trong giải pháp bảo đảm an toàn thi công, DNTN Bảo Châu, đơn vị khai thác, đã có những thiếu sót như không thực hiện đầy đủ đèn tín hiệu ban đêm ở khu vực sà lan hút cát và các biển báo thi công, phao bù giới hạn vị trí… Bà Minh cũng thừa nhận ban giám sát cộng đồng (đại diện người dân ở khu vực dự án) bị bảo vệ của đơn vị thi công ngăn cản, không cho vào vị trí thi công để kiểm tra.
Tiếp thu phản ánh của Báo Người Lao Động, Ban Quản lý dự án nạo vét cửa sông Đà Diễn đã kiểm tra DNTN Bảo Châu, yêu cầu đơn vị này khắc phục những thiếu sót. UBND TP Tuy Hòa cho biết sẽ tiếp tục quản lý, kiểm tra chặt chẽ, đôn đốc ban quản lý, đơn vị thi công và các đơn vị liên quan khắc phục thiếu sót.
Mập mờ đánh giá tác động môi trường
Trong khi đó, một trong những sai phạm nghiêm trọng nhất ở dự án nạo vét cửa sông Đà Diễn - không có báo cáo đánh giá tác động môi trường khi hút cát với khối lượng lớn (trên 297.000 m3, hơn 1/4 khối lượng cát lấy đi trong tổng dự án) ở đường công vụ - thì văn bản phản hồi của UBND TP Tuy Hòa trả lời rất mập mờ.
Trong công văn, bà Đào Bảo Minh chỉ đề cập: “Về đánh giá tác động môi trường dự án nạo vét cửa sông Đà Diễn, bao gồm đường công vụ và khu chuyển tải là các hạng mục phụ trợ của dự án, đã được UBND tỉnh phê duyệt”.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về căn cứ để khẳng định điều này, bà Minh cho rằng dựa vào Quyết định số 553 ngày 8-4-2014 của UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, quyết định này hoàn toàn không có chữ nào đề cập đường công vụ của dự án. Phạm vi hạng mục phụ trợ của dự án chỉ có khu chuyển tải với đường kính 750 m, cách bờ 1.700 m - tức là khu vực đậu của tàu trung chuyển cát để đưa đi tiêu thụ.
Trong khi đó, quyết định phê duyệt hạng mục đường công vụ của UBND TP Tuy Hòa ngày 22-5-2013 đã ghi rất rõ chiều dài nạo vét là 770 m, chiều rộng 100 m, cao trình đáy nạo vét 5 m. Vậy thì không thể “đánh lận con đen” cho rằng hạng mục đường công vụ nằm trong hạng mục phụ trợ.
Mặt khác, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của UBND tỉnh Phú Yên ký ngày 8-4-2014, trong khi việc hút cát ở đường công vụ đã được DNTN Bảo Châu tiến hành từ cuối năm 2013. Đến thời điểm ký Quyết định 553 thì việc hút cát ở hạng mục này đã gần như hoàn tất.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên mới đây, ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã yêu cầu: “UBND huyện, thành phố có dự án phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc xây dựng hồ sơ ban đầu, tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động thi công và giải quyết những vấn đề phát sinh khiếu nại của dân...”. Thế nhưng, công văn phản hồi của UBND TP Tuy Hòa đã không đề cập gì đến trách nhiệm của mình cũng như các ngành chức năng khi để doanh nghiệp hút cát mà không có báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tiếp tục nạo vét nhiều khu vực
Ông Lê Văn Trúc cho biết UBND tỉnh Phú Yên đã cho phép các huyện Tuy An, Đông Hòa thực hiện thêm 4 dự án nạo vét cát khác, cũng với hình thức lấy thu bù chi từ việc tận thu nguồn cát để bán. Đó là các dự án nạo vét cửa sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa), cửa biển Lễ Thịnh, cửa biển An Hải, khu vực cảng cá Tiên Châu (huyện Tuy An).
Trong đó, dự án nạo vét cửa sông Bàn Thạch bắt đầu được triển khai, cũng do DNTN Bảo Châu liên doanh với Công ty CP Đầu tư BKG thực hiện, với khối lượng cát bị lấy đi lên đến trên 2 triệu m3.
Bình luận (0)