Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, Mitsubishi Electric Corporation (MELCO) có trụ sở tại Nhật Bản vừa ủy quyền cho Công ty Luật TNHH T&G gửi đơn tố cáo đến Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Bình Dương đề nghị điều tra, xử lý hành vi lắp ráp, kinh doanh và tàng trữ hàng giả của một doanh nghiệp.
Theo Công ty Luật T&G, tại Việt Nam, Tập đoàn Mitsubishi là chủ sở hữu của nhiều nhãn hiệu, trong đó có các nhãn hiệu thang máy, thang cuốn, đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Các nhãn hiệu Mitsubishi do tập đoàn này độc quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng và ngăn cấm người khác sử dụng… Tuy nhiên, thời gian gần đây, MELCO phát hiện Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật Hùng Quang (Công ty Hùng Quang; trụ sở quận Tân Phú, TP HCM) đã và đang thực hiện hành vi lắp ráp, lưu thông, chào bán sản phẩm thang máy và phụ tùng thang máy giả mạo các nhãn hiệu Mitsubishi trên phương tiện, tài liệu kinh doanh như hợp đồng, thông tin quảng cáo… khiến người tiêu dùng nhầm lẫn.
Tập đoàn này đã kiểm tra một trong những công trình sử dụng thang máy mang nhãn hiệu Mitsubishi được lắp đặt bởi Công ty Hùng Quang tại Công ty TNHH Nhà hàng Ẩm thực Vạn Lộc Phát (Công ty Vạn Lộc Phát, tại Bình Dương). Kết quả xác minh cho thấy sản phẩm thang máy này không được sản xuất bởi MELCO hoặc Tập đoàn Mitsubishi.
Luật sư Lê Xuân Lộc, Giám đốc sở hữu trí tuệ Công ty Luật T&G, cho rằng việc lắp ráp, kinh doanh sản phẩm thang máy giả mạo phải bị xử lý bởi sản phẩm thang máy giả mạo có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng, sức khỏe của người sử dụng. Hành vi kinh doanh, lắp ráp thang máy giả mạo nhãn hiệu cũng có thể gây thiệt hại nặng nề cho Tập đoàn Mitsubishi và MELCO.
Trước các hành vi vi phạm này, MELCO đề nghị cơ quan điều tra sớm tiến hành điều tra, xác minh và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi tàng trữ, kinh doanh hàng giả. Trong trường hợp hành vi của doanh nghiệp vi phạm có dấu hiệu của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của Bộ Luật Hình sự, tập đoàn Nhật Bản đề nghị tiến hành các thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định.
Một số bộ phận của thang máy do Công ty Hùng Quang cung cấp cho Vạn Lộc Phát
Trước đó, Báo Người Lao Động đã phản ánh vụ việc Công ty Vạn Lộc Phát nghi ngờ thang máy lắp đặt cho hệ thống nhà hàng của mình không phải hàng chính hãng và đã gửi đơn tố cáo. Ông Văn Khắc Thông, Giám đốc Công ty Vạn Lộc Phát, cho biết đã có đơn gửi cơ quan Công an Bình Dương đề nghị làm rõ sự việc công ty ông bị đối tác cung cấp 4 thang máy trị giá hợp đồng 2,6 tỉ đồng nhưng không phải hàng chính hãng, có dấu hiệu gian lận thương mại…
Liên quan đến vụ việc, theo nguồn tin khả tín của chúng tôi, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận đơn tố giác của Công ty Vạn Lộc Phát; đồng thời tiến hành tạm giữ đồ vật, tài liệu gồm hợp đồng kinh tế, các hồ sơ có liên quan đến vụ việc để xử lý theo quy định.
Trong một diễn biến khác, Công ty Hùng Quang cũng có đơn gửi TAND thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) kiện Công ty Vạn Lộc Phát về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa và yêu cầu được thanh toán số tiền còn lại 650 triệu đồng và 18,5 triệu đồng lãi tạm tính phát sinh theo hợp đồng.
Tuy nhiên, Công ty Vạn Lộc Phát cho biết đã gửi đơn yêu cầu TAND thị xã Thuận An đình chỉ giải quyết vụ án vì công ty đã có đơn tố cáo hành vi lừa đảo bán thang máy giả nhãn hiệu Mitsubishi của Công ty Hùng Quang tới Công an tỉnh Bình Dương.
Bình luận (0)