Phiên tòa xét xử vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại đã khép lại bằng bản án phúc thẩm ngày 22-6, với mức án chung thân cho bị cáo Trần Thúy Liễu. Tuy nhiên, những người quan tâm, theo dõi vụ án vẫn thấy có điều gì đó chưa thật rõ ràng, thuyết phục.
Đáng lưu ý, luật sư của người bị hại luôn cho rằng cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm; còn đại diện VKS và HĐXX phúc thẩm thì kết luận việc điều tra, truy tố và xét xử vụ án là khách quan, đúng pháp luật. Vậy, cấp sơ thẩm có bỏ lọt tội phạm hay không? Nếu có thì bỏ lọt ai, về hành vi gì?
Ông Nguyễn Văn Tâm tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại. Ảnh: PHẠM DŨNG
Dù không có điều kiện tiếp cận hồ sơ vụ án nhưng qua theo dõi thông tin trên các báo, chúng tôi nhận thấy quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án này đúng là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, rất tiếc là các dấu hiệu, tình tiết liên quan đến việc bỏ lọt tội phạm này đã không được HĐXX phúc thẩm xem xét. Do đó, cần xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm vì bỏ lọt tội phạm.
Để thấy rõ vấn đề có bỏ lọt tội phạm hay không, có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ những lá thư bà Trần Thúy Liễu gửi cho ông Nguyễn Văn Tâm trước khi bà Liễu ra đầu thú. Theo thông tin đăng tải trên các báo, một trong những lá thư bà Liễu nhờ con gái chuyển cho bà Nguyễn Thị Nhiệm (em ông Tâm) để đưa cho anh trai có nội dung: “…nó (điều tra viên) điều tra anh sao rồi?... Đang điều tra Hùng thiếu tiền ở Tiền Giang nhiều lắm, để nó điều tra hướng khác…”.
Trong vụ án này, bà Liễu là người thực hiện hành vi phạm tội. Trong khi đó, bức thư bà Liễu gửi cho ông Tâm lại có nội dung thể hiện sự trao đổi, thông cung giữa hai người nhằm đánh lạc hướng CQĐT trong việc truy tìm tội phạm. Như vậy, tài liệu này được xem là “có dấu vết tội phạm”. Đứng trên phương diện xác định chứng cứ, lá thư này được xác định là vật chứng quan trọng của vụ án theo tinh thần quy định tại điều 74 Bộ Luật Tố tụng Hình sự.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Nhiệm khai rằng “có nhận thư, coi xong rồi đốt chứ không đưa cho ông Tâm”. Lời khai này đã chứng tỏ bà Nhiệm hoàn toàn biết rõ nội dung trong thư là bà Liễu trao đổi với ông Tâm nhằm đánh lạc hướng điều tra. Tuy nhiên, bà Nhiệm chẳng những không trình báo với CQĐT mà còn tiêu hủy vật chứng quan trọng này, gây khó khăn, cản trở trong việc phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm. Rõ ràng, hành vi này của bà Nhiệm có dấu hiệu phạm tội “Che giấu tội phạm” theo quy định tại điều 21 Bộ Luật Hình sự.
Cũng từ nội dung của bức thư trên, người ta có thể gián tiếp nhận ra sự liên quan của ông Tâm trong vụ án này. Vì một lẽ đơn giản, chỉ có người thực hiện tội phạm và người biết rõ ai là người thực hiện tội phạm mới có thể biết được hướng điều tra nào là đúng, sai. Chính vì vậy mà bà Liễu mới có nội dung trao đổi “để nó điều tra hướng khác”. Nếu ông Tâm hoàn toàn không biết ai là thủ phạm thì bà Liễu không thể có nội dung trao đổi này.
Không biết bà Liễu đốt chồng? Với nội dung hàm chứa trong bức thư, việc ông Tâm cho rằng không biết bà Liễu đốt chồng chỉ được xem là có lý và có sức thuyết phục trong trường hợp duy nhất, đó là: Xuất phát từ động cơ muốn hại người khác, bà Liễu đã cố tình tạo ra chứng cứ giả với mục đích để lọt vào tay CQĐT nhằm hãm hại ông Tâm. Thế nhưng, giả thuyết này cần phải loại ra ngay từ đầu. Bởi lẽ, vật chứng là bức thư nói trên được thu thập một cách hết sức tình cờ, do con của bà Liễu khi mang đi gửi đã photocopy lại, chứ không phải bà cố tình để nó lọt vào tay CQĐT. Vì thế, không có cơ sở để cho rằng bà Liễu ngụy tạo chứng cứ để hại ông Tâm, nhất là cho đến nay, bà vẫn một mình nhận tội và luôn phủ nhận có đồng phạm. |
Bình luận (0)