Thực tiễn khi xảy ra việc người bị buộc tội hay công dân chết khi làm việc tại nhà tạm giữ hoặc tại cơ quan điều tra thì phải thực hiện ngay công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và thu thập tài liệu ban đầu để xác định vụ việc có dấu hiệu của hành vi phạm tội hay không, cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết. Nếu có dấu hiệu tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao (chẳng hạn: Tội dùng nhục hình; bắt, giữ người trái luật… ) thì công an, VKS các địa phương phải thông báo ngay đến Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao... Trường hợp cần thiết, điều tra viên của Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao sẽ cùng tham gia khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để đảm bảo vụ việc được giải quyết khách quan, đúng thẩm quyền.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Khánh Hòa
Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao là một trong các cơ quan điều tra chuyên trách, có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Vì vậy, việc phát hiện xử lý kịp thời vi phạm, tội phạm xảy ra trong lĩnh vực này có ý nghĩa rất quan trọng góp phần làm trong sạch bộ máy tư pháp, xây dựng nền tư pháp vững mạnh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền công dân, quyền con người.
Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao tiếp nhận, thu thập nguồn tin về tội phạm bằng các hoạt động khác nhau, trong đó có việc phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân để tiếp nhận, thu thập nguồn tin về tội phạm; theo dõi, thu thập tin báo về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật để tiếp nhận, thu thập nguồn tin về tội phạm. Thực tiễn có nhiều vụ Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao đã tiếp nhận nguồn tin tố giác về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng và đã xử lý nhanh chóng, đúng luật. Vụ việc Báo Người Lao Động nêu có nhiều dấu hiệu bất thường nên Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao cần nhanh chóng vào cuộc cùng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, tiến hành xác minh, thu thập bảo vệ chứng cứ kịp thời để vụ việc được giải quyết khách quan, đúng thẩm quyền.
Hàng xóm đến chia buồn gia đình người xấu số
Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, như: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của VKS, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của bộ luật này. Bộ luật này cũng nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người (Điều 10). Điều 11 của Bộ Luật Tố tụng hình sự cũng quy định về bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân. Theo đó, mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân bị xử lý theo pháp luật.
Việc Cơ quan Điều tra của VKSND Tối cao vào cuộc làm rõ cái chết của Huỳnh Thị Nhung (SN 1973, ngụ thôn Tân Khánh 2, xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) ở trụ sở Công an thị xã Ninh Hòa không chỉ giải tỏa được những nghi vấn của người dân, gia đình bà Nhung mà còn giúp nâng cao uy tín của ngành công an.
Liên quan đến vụ việc, ngày 14-10, trao đổi với Báo Người Lao Động, lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa xác nhận sự việc bà Huỳnh Thị Nhung đã tử vong khi công an mời về trụ sở làm việc vì liên quan đến vấn đề kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Sự việc xảy ra vào tối 13-10.
"Công an thị xã đã báo cáo sự việc vào tối 13-10. Sau khi phá án, lực lượng chức năng có mời bà chủ nhà về Công an thị xã Ninh Hòa để làm việc thì người này lấy kéo đâm vào cổ. Mặc dù được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay sau đó nhưng máu ra nhiều quá nên tử vong. Huyện đã báo công an tỉnh. Sáng 14-10 đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và mời gia đình đến. Gia đình cũng đang chờ kết quả giám định" - vị lãnh đạo này thông tin.
Đại tá Nguyễn Khắc Cường, Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết: "Vụ việc đã khá rõ. Anh em kiểm tra, bắt vì tổ chức mại dâm rồi mời về công an thì xảy ra sự việc như thế". Theo đại tá Cường, hiện nay vụ việc vẫn đang chờ kết luận, nhận định ban đầu là tự sát bằng kéo. "Các dấu hiệu của hiện trường xác định như thế nhưng phải chờ kết luận chính thức"- đại tá Cường nói thêm.
Bình luận (0)