Vụ hàng loạt tàu vỏ thép ở Bình Định do Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng mới bàn giao đã liên tục gặp sự cố, hư hỏng phải nằm bờ, khiến dư luận phẫn nộ. Cho dù mới đây đơn vị đóng tàu cam kết sẽ thay toàn bộ máy thủy mới chính hãng Mitsubishi nhưng dư luận cho rằng không đơn giản cứ thay máy mới là xong bởi đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng.
Có dấu hiệu lừa đảo
"2 công ty trên nằm trong số các đơn vị được lựa chọn để đóng tàu vỏ thép cho ngư dân theo Nghị định 67/CP của Chính phủ, đủ biết đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Thế nhưng, vì hám lợi, hám tiền, họ đã làm ăn gian dối, bỏ qua trách nhiệm đối với tổ quốc, coi thường tài sản và tính mạng của ngư dân. Nếu không mạnh tay xử lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người dân"- bạn đọc Ngọc Luân nêu ý kiến.
Nhiều bạn đọc khẳng định đã có đủ dấu hiệu của hành vi lừa đảo, cần phải xử lý hình sự. "Trong hợp đồng với ngư dân, các công ty quy định vỏ tàu bằng thép Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng lại tự ý đóng bằng thép Trung Quốc như vậy là vật liệu thép thi công không đúng theo hợp đồng. Ngoài ra, sơn không đảm bảo theo quy trình, máy tàu không phải chính hãng Mitsubishi (Nhật Bản), linh kiện bên trong máy không phù hợp, thiết bị hàng hải chưa đúng thiết kế... Đã có báo cáo của các chuyên gia của Tập đoàn Mitsubishi về việc máy tàu không phải chính hãng của họ, bên ngoài là vỏ máy Mitsubishi nhưng bên trong bị thay đổi máy cũ không phù hợp gây ra sự cố cho tàu vỏ thép... Đây là chứng cứ làm ăn gian dối, lừa đảo của cơ sở đóng tàu, đủ cơ sở để khởi tố"- bạn đọc Trường Giang phân tích.
Xử lý nghiêm, khẩn trương
Bạn đọc cũng cho rằng tàu đánh bắt bằng vỏ thép vừa là phương tiện kiếm sống của người dân, vừa là tài sản có khi là của cả dòng tộc, thôn xóm chắt chiu, gom góp cả đời. Ngoài ra, chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép ngoài việc phát triển kinh tế biển còn là để ngư dân có thể bám biển lâu dài, bảo vệ chủ quyền, biển đảo. Đây là chủ trương lớn, hợp lòng dân, có ý nghĩa quan trọng. Cho nên, dù đơn vị đóng tàu dùng nhiều "chiêu" để thuyết phục chủ tàu rút đơn khiếu nại, mua sự im lặng thì các cơ quan điều tra vẫn có đủ cơ sở vào cuộc để xử lý.
Hạ thủy chưa lâu, nhiều tàu vỏ thép ở Bình Định phải nằm bờ vì thường xuyên hư hỏng Ảnh: ANH TÚ
"Ngoài việc xử lý hành vi lừa đảo, gian dối của đơn vị đóng tàu, các cơ quan chức năng cũng cần điều tra trách nhiệm của trung tâm đăng kiểm Tổng cục Thủy sản khi thực hiện đăng kiểm; trách nhiệm của các cơ quan làm chủ dự án này, từ khâu lựa chọn công ty đóng tàu đến hợp đồng, đầu tư, đóng tàu… Bên cạnh đó, cần điều tra luôn việc vì sao ngư dân lại rút khiếu nại và xin không thẩm định tàu hỏng? Có hay không sự tác động của nhà máy đóng tàu?"- bạn đọc Hoàng Văn Hải gợi ý.
Bạn đọc Trần Thanh Tùng thì cương quyết: "Trục lợi trên con tàu vỏ thép, đó là điều không thể chấp nhận. Tôi cho rằng đây là việc làm bất lương, coi thường pháp luật, có tội với tổ quốc, nhân dân. Phải điều tra, truy cứu hình sự hành vi phá hoại chính sách kinh tế của Nhà nước chứ không đơn giản chỉ là hành vi gian dối, lừa đảo đối với ngư dân. Mong Thanh tra Chính phủ vào cuộc lôi nhưng "con sâu mọt" này ra xử lý theo pháp luật. Phải xử lý nghiêm, khẩn trương để răn đe bởi sự việc gây ra sẽ không chỉ dừng lại ở Bình Định".
Bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Trương Minh Hoàng cũng đã nhấn mạnh phải xem lại vụ việc này có yếu tố phá hoại chủ trương bám biển bằng cách làm "gãy gánh" chủ trương này dọc đường để người dân nản lòng?
Bình luận (0)