Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, anh Nguyễn Văn Khỏe (SN 1981; ngụ xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) cho biết đã bị nhân viên cơ sở đóng tàu vỏ thép của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đuổi đánh, dọa giết khi đến xem đóng tàu tại cơ sở này.
Anh Nguyễn Văn Khỏe (bên phải) cùng các ngư dân trong lần trình bày vụ việc với phóng viên
Theo anh Khỏe, năm 2014, cha anh là ông Nguyễn Mạnh (ngụ cùng địa phương) hợp đồng với Công ty Đại Nguyên Dương đóng chiếc tàu vỏ thép mang số hiệu BĐ 99567 TS, công suất 811 CV, với tổng kinh phí 15,2 tỉ đồng để hành nghề lưới vây. Trong quá trình đóng tàu, anh Khỏe thường xuyên đến cơ sở đóng tàu của Công ty Đại Nguyên Dương tại tỉnh Nam Định để giám sát việc đóng chiếc tàu của cha mình.
"Tuy nhiên, trong một lần đến xem đóng tàu, phát hiện thân tàu của cha được đóng bằng thép Trung Quốc thay vì thép Hàn Quốc như trong hợp đồng và trong khoan tàu có một số chỗ sai thiết kế, tôi dùng điện thoại ghi hình lại rồi phản ánh với cơ sở đóng tàu. Thế nhưng thay vì tiếp thu ý kiến, nhân viên cơ sở đóng tàu lại giật điện thoại tôi, xóa hình ảnh rồi rượt đánh, dọa giết. Hoảng quá, tôi bỏ chạy khỏi cơ sở đóng tàu rồi đón xe về quê" - anh Khỏe kể lại.
Anh Khỏe cho biết thêm là sau đó tàu cá của cha anh được bàn giao và hạ thủy vào tháng 8-2016, do chính anh làm thuyền trưởng. Tuy nhiên, từ đó đến nay tàu chỉ đánh bắt được 3 chuyến do thường xuyên hư hỏng. Hiện tại, tàu của anh xuất hiện nhiều gỉ sét trên thân vỏ, máy chính thường xuyên bị trục trặc. "Chuyến đầu tiên ra khơi được vài ngày, tàu đã bị hỏng bánh lái nên quay vào bờ. Chuyến thứ 2, thứ 3 thì hư hỏng máy. Từ lúc nhận tàu đến nay, tàu của gia đình tôi bị lỗ mất mấy trăm triệu đồng", anh Khỏe nói.
Tàu vỏ thép của cha anh Khỏe mang tên Hải Đăng thường xuyên nằm bờ vì hư hỏng
Trong một diễn biến khác, ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, Tổ trưởng Tổ công tác thẩm định tàu vỏ thép, cho biết bắt đầu từ chiều 6-6, tổ công tác sẽ tiến hành tổng kiếm tra 18 tàu vỏ thép (5 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, 13 tàu do công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng) để đánh giá toàn diện chất lượng những con tàu này. Tổ công tác sẽ tiến hành thẩm định, đánh giá để xác định rõ chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, tính năng hoạt động của vỏ tàu, máy thủy, máy điện trên tàu, các trang thiết bị được thi công cung cấp so với hợp đồng đã ký kết giữa ngư dân và các cơ sở đóng mới, cung cấp các trang thiết bị cho tàu vỏ thép. Dự kiến, thời gian kiểm tra sẽ kéo dài đến 11-6.
Như Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin, thời gian gần đây, hàng loạt tàu cá vỏ thép trị giá gần 20 tỉ đồng ở Bình Định được đóng mới theo Nghị định 67, vừa hạ thủy chưa lâu đã hư hỏng, không hoạt động được. Do tàu liên tục nằm bờ nên ngư dân gặp khó khăn vì thua lỗ, không có tiền trả nợ ngân hàng.
Bình luận (0)