Mới đây, ông Trần Văn Liên (SN 1966; ngụ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) bức xúc phản ánh với Báo Người Lao Động vụ án "Tranh chấp hợp đồng mua bán hệ thống máy đẩy thủy và hợp đồng dịch vụ đóng tàu" 2 cấp tòa phán khác nhau dẫn đến sự việc kéo dài, phức tạp. Đến thời điểm này, ông Liên còn bị cả ngân hàng và công ty đóng tàu kiện ngược trở lại.
Ai có lỗi?
Theo hồ sơ, ngày 18-9-2015, ông Liên và Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy (Đà Nẵng, viết tắt Công ty Bảo Duy) ký hợp đồng đóng tàu vỏ thép QNa 94678 TS. Ngày 3-12-2015, ông Liên và Công ty CP Tập đoàn Liên Á (Hà Nội, viết tắt Công ty Liên Á) ký hợp đồng mua bán hệ thống đẩy thủy đồng bộ gồm động cơ diesel hiệu Mitsubishi (Nhật Bản) và hộp giảm tốc đảo chiều do Hangzhou (Trung Quốc) sản xuất với giá 2,8 tỉ đồng. Ông Liên đã trả cho Công ty Liên Á hơn 1,8 tỉ đồng.
Đầu tháng 3-2016, Công ty Liên Á cùng Công ty Bảo Duy lắp ráp máy lên tàu. Cuối tháng 3-2016, Công ty Liên Á, Công ty Bảo Duy và chủ tàu nổ thử máy, chạy thử hộp số tiến, lùi trên sông và ký biên bản, máy hoạt động bình thường. Tuy nhiên, sau đó, khi Công ty Bảo Duy cùng ông Liên điều động tàu ra cầu Mân Quang để chuẩn bị chạy thử đường dài, khi chuẩn bị neo đậu thì hỏng máy chính.
Công ty Liên Á ký hợp đồng với Công ty CP Tư vấn và Thương mại Ánh Sao (Hà Nội, viết tắt Công ty Ánh Sao) xác định nguyên nhân. Chứng thư giám định của Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Vinacontrol Đà Nẵng (gọi tắt là Vinacontrol - do Công ty Ánh Sao thuê) xác định: "Lỗ thủng của bộ lọc dầu xảy ra trong khoảng thời gian sau khi kết thúc việc chạy thử ngày 28-3-2016" và "Sự cố máy chính ngừng hoạt động tối 29-3-2016 xảy ra do bộ lọc dầu bị thủng, dầu chảy ra ngoài gây giảm lưu lượng và áp lực dầu bôi trơn". Dựa trên kết luận này, chủ tàu, Công ty Liên Á và Công ty Bảo Duy có kế hoạch mua phụ tùng sửa máy. Khi tháo máy ra để sửa, Công ty Liên Á phát hiện lốc máy số 1 bị nứt, máy hư hỏng nên không sửa nữa.
Để xác định trách nhiệm bồi thường, Công ty Bảo hiểm BIDV Đà Nẵng (đơn vị hợp đồng bảo hiểm với Công ty Bảo Duy) yêu cầu Công ty CP Giám định Thái Dương (SICO) giám định. Ngày 28-4-2016, SICO xác định nguyên nhân máy chính hỏng do: "Chất lượng bôi trơn tại máy số 1 không bảo đảm dẫn đến tổn thất hư hỏng cho máy chính (lỗi chế tạo)". Từ đó, ông Liên kiện yêu cầu Công ty Liên Á phải cung cấp cho ông một hệ thống máy đẩy thủy đồng bộ mới theo hợp đồng ký kết và yêu cầu Công ty Bảo Duy liên quan trong việc lắp đặt máy phải bồi thường chi phí lắp đặt và các chi phí khác. Tại tòa sơ thẩm, ông Liên khai chưa tính toán được những thiệt hại thực tế nên đã rút yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.
"Bản án sơ thẩm ngày 30-8-2017, TAND TP Tam Kỳ tuyên buộc Công ty Bảo Duy bồi thường cho tôi 2,8 tỉ đồng. Còn bản án phúc thẩm ngày 30-1-2018, TAND tỉnh Quảng Nam tuyên buộc Công ty Liên Á trả cho tôi hơn 1,5 tỉ đồng. Mỗi cấp phán một kiểu" - ông Liên nói.
Vợ chồng ông Trần Văn Liên mong sớm nhận tàu để vươn khơi, bám biển
Thiếu khách quan, chính xác
Được biết vừa qua, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa có quyết định kháng nghị đối với bản án của TAND tỉnh Quảng Nam, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án nêu trên và bản án sơ thẩm của TAND TP Tam Kỳ, giao hồ sơ cho tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại.
Theo nhận định của VKSND Cấp cao, dù trong hợp đồng các bên thống nhất giải quyết những vấn đề tranh chấp tại TAND TP Tam Kỳ nhưng theo luật định thì TAND TP Tam Kỳ thụ lý giải quyết tranh chấp trên là không đúng thẩm quyền. Ngoài ra, bản án của TAND TP Tam Kỳ dựa vào chứng thư giám định của Vinacontrol, còn bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Nam lại dựa trên kết luận của SICO, điều này là chưa bảo đảm tính khách quan, chính xác.
Ngoài ra, VKSND Cấp cao cho rằng việc ông Liên và Công ty Bảo Duy điều tàu từ nhà máy đến cầu Mân Quang để chạy thử đường dài mà không có cán bộ kỹ thuật của Công ty Liên Á tham gia hỗ trợ dẫn đến hậu quả trên có phần lỗi do chủ tàu và Công ty Bảo Duy.
"Trong trường hợp này, dù có cơ sở khẳng định máy hỏng do lỗi chế tạo thì Công ty Bảo Duy (nếu tự vận hành) và ông Liên (nếu đồng ý cho vận hành) cũng có một phần lỗi. TAND cấp phúc thẩm cho rằng toàn bộ lỗi của Công ty Liên Á là chưa đánh giá khách quan, toàn diện vụ án" - VKSND Cấp cao phân tích; đồng thời cho rằng bản án sơ thẩm buộc Công ty Bảo Duy chịu toàn bộ thiệt hại cũng không có cơ sở vì chưa làm rõ nguyên nhân hỏng máy, chưa làm rõ việc công ty này cho tàu chạy có được sự đồng ý của ông Liên hay không.
Mong sớm nhận tàu để ra khơi
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Liên chia sẻ: "Từ khi tham gia đóng tàu vỏ thép rồi vướng vào kiện tụng, gia đình tôi lâm cảnh bần cùng, tiền bạc vay mượn đội nón ra đi, vợ chồng tôi phải đi làm thuê kiếm sống. Giờ đây, sau hơn 2 năm khởi kiện, vụ việc quay lại từ đầu khiến vợ chồng tôi rất lo lắng. Nếu đến cuối năm nay chưa giải quyết xong thì con tàu không thuộc ưu đãi theo Nghị định 67 nữa. Tôi mong các cấp ngành tạo điều kiện để gia đình sớm nhận tàu vươn khơi bám biển phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền".
Bình luận (0)