Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí vào chiều tối 20-11, ông Hoàng Việt Cường, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết cơ quan này đang củng cố hồ sơ để trình lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, ra quyết định xử phạt thêm một hành vi vi phạm của Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam, chủ đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Thượng Nhật, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông.
Xử phạt mạnh
Theo ông Hoàng Việt Cường, việc xem xét xử phạt doanh nghiệp này dựa trên biên bản của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Thừa Thiên - Huế lập về hành vi vi phạm quy định về hồ chứa, đập dâng được quy định tại khoản 9, điều 13, Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
"Theo quy định thì doanh nghiệp có quyền giải trình trong 5 ngày nên hiện chúng tôi đang củng cố hồ sơ và dự kiến đầu tuần sau sẽ ban hành xử phạt. Nếu vi phạm lỗi này, chủ đầu tư có thể bị phạt ở mức tối đa là 500 triệu đồng" - ông Hoàng Việt Cường cho hay.
Lòng hồ chưa dọn sạch nên cây bị ngập khi nước lên cao trình 115 m
Cũng theo ông Hoàng Việt Cường, căn cứ đề xuất của Sở TN-MT, Sở Công Thương tỉnh, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã có công văn gửi Bộ TN-MT đề nghị thu hồi giấy phép sử dụng tài nguyên nước; Bộ Công Thương đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam tại thủy điện Thượng Nhật.
Giấy phép trên được Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cấp cho chủ đầu tư vào ngày 12-12-2019, thời hạn đến ngày 11-12-2020. Giấy phép cho phép quản lý, vận hành Nhà máy Thủy điện Thượng Nhật có công suất 11 MW với 2 tổ máy và đường dây 35 KV, được đấu nối vào lưới điện quốc gia qua đường dây 35 KV mạch kép.
Trước đó, ngày 18-11, Đoàn Kiểm tra của Bộ Công Thương đã lập 2 biên bản đối với Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam về hành vi vi phạm quy định về quản lý vận hành đập thủy điện theo Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền khoảng 140 triệu đồng. Đoàn kiểm tra cũng đề nghị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế, nếu bị thu hồi giấy phép này thì thủy điện Thượng Nhật không được phép hoạt động sản xuất điện. "Nếu họ chấp hành tốt các quy trình, quy định, đáp ứng các điều kiện như quy định theo Thông tư 36/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực thì vẫn được xem xét để cấp lại giấy phép hoạt động điện lực" - vị này cho hay.
Đã bán bao nhiêu điện?
Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí, trả lời câu hỏi thủy điện Thượng Nhật đã bán "chui" bao nhiêu sản lượng điện cho Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), ông Hoàng Việt Cường cho biết phạm vi này thuộc thẩm quyền xem xét của Bộ Công Thương nên Sở Công Thương cũng đã có văn bản gửi bộ.
Ngày 14-11, EVNCPC cũng có văn bản khẳng định ngừng mua điện đối với nhà máy này. "Qua trao đổi với EVNCPC, họ nói rằng việc mua bán điện dựa vào giấy phép hoạt động điện lực Bộ Công Thương đã cấp cho chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật" - ông Hoàng Việt Cường cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí, ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), Trưởng đoàn kiểm tra vi phạm thủy điện Thượng Nhật, giải thích đoàn chỉ kiểm tra công tác quản lý an toàn hồ đập và công tác phòng chống thiên tai theo quyết định của Bộ Công Thương nên vấn đề trên ngoài phạm vi công tác.
Còn theo ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông: "Thủy điện tích nước giai đoạn 1 chỉ 90 ngày, bắt đầu từ ngày 6-1. Sau thời điểm này họ không được tích nước, chưa được phát điện" - ông Lê Thanh Hồ lý giải.
Tuy nhiên, ông Lê Thanh Hồ cho biết trong suốt thời gian này, thủy điện Thượng Nhật có nhiều đợt thông báo xả nước qua tuabin phát điện. Cụ thể, từ ngày 31-3 đến ngày 18-4, xả nước qua tuabin 2 đợt, thời gian xả nước 4 giờ/ngày; từ 17-4 đến 27-6 xả 8 đợt với 5 giờ/ngày; từ ngày 10-7 đến 13-9 cũng xả 8 đợt, thời gian tăng lên 8 giờ mỗi ngày. Vào thời điểm từ ngày 30-9 đến 11-10, theo UBND xã Thượng Nhật thì thời gian xả nước tăng lên đến 14 giờ/ngày, bắt đầu từ 8 giờ đến 20 giờ mới kết thúc.
Trong khi đó, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Khoa, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam, khẳng định chỉ tích nước vận hành chạy thử 72 giờ chứ chưa bán điện thường xuyên.
Lòng hồ chưa dọn sạch đã ký nghiệm thu
Trong chuyến kiểm tra thực tế vào chiều 17-11, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương khẳng định lòng hồ vẫn chưa được dọn sạch. Vết tích mực nước dâng cao nhất tại lòng hồ khi thủy điện này đóng 5 van xả ở cao trình 115 m cho thấy một số khu vực rừng cây vẫn bị ngập dưới nước, chưa được chặt dọn. Ông Hoàng Thế Giang, Phòng An toàn điện và đập, Cục An toàn môi trường (Bộ Công Thương, thành viên đoàn kiểm tra), khẳng định nguyên tắc là phải dọn sạch để không ảnh hưởng đến tài sản người dân, tránh gây ô nhiễm môi trường nhưng ở khu vực lòng hồ, đoạn gần đập chưa dọn sạch, cây rừng bị ngập, chết.
Điều lạ là vào ngày 20-12-2019, Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên- Huế có văn bản gửi Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam khẳng định "qua kiểm tra cho thấy lòng hồ thủy điện Thượng Nhật đã được thu dọn, vệ sinh đúng yêu cầu kỹ thuật theo phương án được phê duyệt đến cao trình tích nước 116 m".
Bình luận (0)