Sở Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với các phòng chức năng UBND huyện Nam Đông đã lập biên bản việc thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép, không xả 5 cửa van hoàn toàn theo yêu cầu của tỉnh.
Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngày 16-11 cho biết trong sáng cùng ngày, Sở Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với các phòng chức năng UBND huyện Nam Đông đã lập biên bản việc thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép, không xả 5 cửa van hoàn toàn theo yêu cầu của tỉnh.
Thủy điện Thượng Nhật có công suất 11 MW nằm ở xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, do Công ty CP Đầu tư Thủy điện Miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư. Đoàn kiểm tra lập biên bản liên quan đến việc chủ đầu tư sử dụng tài nguyên nước khi chưa được phép và rà soát lại các thủ tục cấp phép xây dựng thủy điện này.
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, ngày 14-11, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo lực lượng công an giám sát 24/24 giờ việc xả nước của thủy điện này. Tuy nhiên do ảnh hưởng của bão số 13, khu vực này có mưa rất to, dễ xảy ra nguy cơ sạt lở núi nên các lực lượng rút lui. Ngay lập tức trong ngày 15-11, thủy điện Thượng Nhật tiếp tục tích nước trái phép.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết việc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh lập biên bản vi phạm của dự án thủy điện Thượng Nhật nhằm ghi nhận những tình tiết để tiến hành xử phạt hành chính theo quy định. Theo ông Phương, vào hôm nay (17-11), các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ lên huyện Nam Đông để thống nhất các nội dung đã làm việc giữa các bên nhằm tiến hành xử lý.
Vào ngày 7-10, thủy điện Thượng Nhật bắt đầu mở cửa van xả nước sau khi lãnh đạo huyện Nam Đông đến kiểm tra.Ảnh: Dũng Trần
Ông Trần Quốc Phụng cũng cho biết khi cơn bão số 5 đổ bộ vào Thừa Thiên - Huế ngày 18-9, thủy điện Thượng Nhật đã cho xả nước từ lòng hồ nên cả chính quyền, người dân đều bị bất ngờ. Dù không ngập nhà cửa nhưng nước ở khe suối dâng cao đã cuốn trôi 3 con bò, 6 chiếc ghe và gây thiệt hại một số cây trồng.
Ngày 2-10, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Nam Đông đã có buổi làm việc với chủ đầu tư dự án này. Các cơ quan khẳng định thủy điện này vào ngày 6-1 được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho tích nước đợt 1 đến cao trình 116 m trong thời hạn 90 ngày để chạy thử, kiểm tra thấm, thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị cũng như hoàn thiện các hạng mục hạ lưu. Chủ đầu tư cũng thừa nhận họ đã tiến hành tích nước để vận hành chạy thử.
Đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu chủ đầu tư phải đưa mực nước hồ chứa về ngưỡng tràn ở cao trình 104 m trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến 7-10. Sau đó tiến hành mở hoàn toàn 5 cửa van đập tràn cho đến khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp tục tích nước hồ chứa mới được phép vận hành. Tuy nhiên, chủ đầu tư nhiều lần không chấp hành nghiêm túc việc mở 5 cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn, mực nước hồ ở cao trình 115 m.
Để làm dự án thủy điện này, có 187 hộ dân xã Thượng Nhật bị thu hồi diện tích rừng lớn với số tiền mà chủ đầu tư phải chi trả hơn 22 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc chi trả đền bù khá chậm. Ông Trần Quốc Phụng cho biết hiện vẫn còn 7 hộ dân chưa được chủ đầu tư đền bù với số tiền vài trăm triệu đồng.
Bình luận (0)