Xấu hổ, nhục nhã!
Sửng sốt với thông tin tiếp viên Vietnam Airlines buôn lậu hàng ăn cắp, bạn đọc Hung Nguyen phải thốt lên: “Thật nhục nhã cho người Việt Nam chúng ta. Tiếp viên hàng không quốc gia như là hình ảnh đại diện của đất nước mà đi buôn lậu hàng ăn cắp. Nhục nhã quá! Nhục nhã quá!”.
Bạn đọc tên Lê Trân bức xúc: “Đói cho sạch, rách cho thơm. Tiếp viên hàng không đói rách lắm sao mà phải làm như vậy? Ê mặt quá đi!”. Một bạn đọc tên Luân nói: “Biết nhục biết xấu hổ thì đã không làm, đã làm thì không còn biết xấu hổ nhục nhã gì nữa các bác ạ!”. Người này cũng đặt vấn đề: “Con dại thì cái mang nhưng công dân dại thì ai mang đây!!!??”
Ý kiến của độc giả Sao Mai được rất nhiều người đồng tình. Theo bạn đọc này, sự việc đã xảy ra rồi, dù có muốn che cũng không được nữa. Bị nước ngoài phát hiện và phanh phui cho cả thế giới biết hết rồi, xấu hổ quá! Không có nỗi nhục nào nhục hơn! Ăn cắp, móc ngoặc, tham ô, lại quả trong nước vẫn chưa đủ sao còn “thò vòi” ra tận nước ngoài, để đi đến đâu họ cũng viết tiếng Việt để nhắc nhở cảnh báo.
Ngay lập tức, bạn đọc Phan Thanh tiếp lời: “Không phải bây giờ ra nước ngoài mới thấy xấu hổ đâu. Nếu các bạn vào website phuot.vn sẽ thấy các bạn Việt Nam đi du lịch bằng đường bộ, khi qua cửa khẩu Poipet- Aranyaprathet vào đất Thái Lan sẽ thấy nhục nhã vô cùng. Người mang hộ chiếu Việt Nam phải trình số tiền mang theo, tay giơ số tiền lên và chường mặt vào camera để nhân viên cửa khẩu chụp hình. Họ giải thích là vì người Việt vào Thái Lan ăn cắp nhiều quá”.
Thậm chí bạn đọc Minh Quang còn đề nghị luật pháp cần bổ sung quy định tội danh "làm nhục Quốc thể" dành cho các đối tượng gồm: người làm trong ngành đại diện cho hình ảnh của quốc gia, người được cử đi nước ngoài, người có tính đại diện cho đất nước tham quan giao lưu học tập,... với các hành động cố ý như: ăn cắp, buôn bán vận chuyện hành bất hợp pháp hoặc cá nhân có sai phạm riêng tư mà làm ảnh hưởng rộng lớn đến uy tín của quốc gia gây xấu hổ bất bình và làm phẩn nộ trong dư luận. Người đó ngoài việc chịu trách nhiệm cá nhân sai phạm tại nơi đó còn phải chịu hình phạt của pháp luật nước nhà.
Sự việc tiếp viên của VNA bị bắt vì buôn lậu hàng ăn cắp gây bức xúc trong dư luận. Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ
Trách nhiệm của Vietnam Airlines
Trong khi đó, bạn đọc có nick name Đảo chủ lại lên án lãnh đạo của Vietnam Airlines: “Tui thấy nhục cho các tiếp viên thì ít là nhục cho các quan chức Vietnam Airlines thì nhiều. Quản lý một tổng công ty mà cứ như quản lý chợ chồm hổm. Nào là cam kết không buôn lậu nhưng lỡ "dính chàm" thì không được bay. Vậy làm quản lý như ông Thanh (chủ tịch Hội đồng thành viên của Vietnam Airlines - PV) cũng đâu phải là cán bộ được bay”.
Cùng ý kiến trên, Culi - bạn đọc lâu năm của Báo Người Lao động - cho rằng Vietnam Airlines là một công ty hàng không quốc doanh mà là doanh nghiệp nhà nước thì có còn uy tín gì nữa đâu mà mất. Đi làm việc mà còn phải ký cam kết không buôn lậu không tiếp tay buôn lậu thì cũng hiểu cái công ty hàng không này phục vụ thì ít mà để buôn lậu thì nhiều.
Bạn Hoàng Hà Hồng đặt câu hỏi: “Vì sao bao nhiêu quy định, giải pháp, kể cả trách nhiệm giám sát hành lý của phi hành đoàn trong mỗi chuyến bay được giao trực tiếp cho cơ trưởng và tiếp viên trưởng nhưng phải nhờ phía Nhật Bản phát hiện mới lôi được người buôn lậu ra ánh sáng?”. Trong khi đó, lãnh đạo Vietnam Airlines chỉ tuyên bố ngắn gọn rằng: “Chúng tôi rất mong muốn được hợp tác với cơ quan cảnh sát, hải quan Nhật Bản và Việt Nam để phối hợp cùng ngăn chặn những hành vi tương tự từ cả hai phía nhằm bảo đảm uy tín, hình ảnh của hãng hàng không quốc gia”. Theo bạn đọc Hà Hồng thì lãnh đạo Vietnam Airlines nói như đây là lần đầu tiên nhân viên của họ dính nghi án buôn lậu, tiêu thụ hàng ăn cắp.
Còn nhớ hồi vào tháng 9-2013, một nam tiếp viên phó của Vietnam Airlines tên Bùi Ngọc Tuấn “xách tay” đến 50 chiếc điện thoại Iphone 5S còn “nguyên đai nguyên kiện” bị phát hiện khi bay từ Paris (Pháp) về sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Người này sau đó bị Vietnam Airlines đình chỉ bay để làm rõ vi phạm nhưng mức xử lý như thế nào thì đến nay chưa ai biết.
Hệ quả của giáo dục?
Theo bạn đọc Phạm Hiển, nguồn gốc của vấn đề là do hệ quả của một nền giáo dục yếu kém nhất từ 40 năm qua. Nếu chúng ta không thay đổi việc giáo dục cho con em ngay từ lúc còn trẻ thì hệ quả càng thê thảm hơn nữa!
Cùng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Thường Xuân lý giải: “Khi có một việc gì đó không đẹp, không lịch sự cho lắm người ta thường hay đổ cho nghèo hoặc dân trí thấp. Nhưng những trường hợp báo nêu mang tiếng xấu cho cả cộng đồng lại xảy ra ở tầng lớp giàu có, học hành đến chốn đến nơi. Chúng ta đã từng “bó tay chấm com” với những người chống buôn lậu lại đi buôn lậu, người chống tội phạm ma túy lại dính án buôn bán ma túy, người chống tham nhũng lại phạm tội tham nhũng... Vậy đâu là căn nguyên? Có phải nền giáo dục mấy chục năm trời cứ chạy theo dạy chữ, dạy làm toán, làm văn mà quên mất việc quan trọng môn dạy đạo đức, phẩm giá!?”.
Kết thúc “cuộc tranh luận”, bạn đọc tên Tuan chốt lại vấn đề: “Tôi không xấu hổ mà chỉ thấy bức xúc. Nhiều người Việt làm chuyện xấu chứ đâu phải tất cả người Việt đều xấu. Tôi chỉ xấu hổ hay tự hào về việc mình đã làm. Vấn đề là chúng ta nên hành động như thế nào để cho nó tốt hơn chứ ngồi xấu hổ cũng có giải quyết được gì đâu”.
Bình luận (0)