Những nguyên nhân gây ra TNGT nghiêm trọng như: đường sá quá chật chội, bất hợp lý, ý thức của tài xế quá kém, thiếu kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng… đã được cảnh báo từ hàng chục năm qua nhưng đến nay tình hình hình vẫn không thể cải thiện. Người dân sử dụng xe khách hiện nay chỉ biết phó thác tính mạng mình cho tài xế theo kiểu “may nhờ rủi chịu”. Và tất nhiên, bao nhiêu năm qua, chẳng cơ quan nào thừa nhận trách nhiệm của mình trong vấn đề này.
Bất lực !
Bức xúc với những tai nạn như thế này bạn đọc Đồng Đăng, cho biết: “Ngày nào cũng xảy ra bao nhiêu là TNGT. Đủ kiểu văn bản, chiến dịch, phong trào an toàn giao thông mà chẳng ăn thua gì, chỉ nặng về hô hào mà không có tác dụng thực tế. Ai chịu trách nhiệm nếu không phải là Bộ Giao thông, Bộ Công an… Đúng như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: "Ngồi đút chân gậm bàn, rung đùi và chỉ đạo". Ra tay làm một cái gì thực tiễn đi chứ, hay là chỉ lo nghĩ thu các loại phí?”.
Bạn đọc Xây Dựng, thiết tha: “Dù rất muộn nhưng các cơ quan chức năng cao nhất phải quyết liệt thực hiện các biện pháp ngăn chặn TNGT. Không quyết liệt thì đừng mong người lái xe chấp hành luật giao thông bởi vì ý thức chấp hành luật lệ giao thông của nhiều người Việt Nam rất kém và không muốn thay thay đổi trừ khi chính họ… bị TNGT”.
Nhận định về những tuyến xe đường dài, bạn đọc Tuấn Anh cung cấp thông tin: Những xe khách ở Châu Âu, lái xe chạy mỗi ngày tổng cộng chỉ được 10 tiếng là phải nghỉ. Nghỉ đủ thời gian mới được tiếp tục chạy. Chạy vào ban đêm thì thời gian được chạy càng được rút ngắn. Còn ở Việt Nam, xe khách liên tỉnh chỉ có một tài chính và một tài phụ, thay phiên nhau chạy ngày chạy đêm, mang tính mạng của hành khách ra mà đánh cược thì làm sao không xảy ra tai nạn. Bạn đọc Trần Thế Nhường bày tỏ: “Các bác tài đang cầm lái khi đọc những vụ tai nạn này không biết suy nghĩ gì. Mong rằng các bác tài hãy lấy chữ tâm làm đầu đừng vì chút háo thắng mà đánh cược cuộc đời mình và hành khách với tử thần như thế”.
Bạn đọc Thủy Văn thì nói thẳng: “Cảnh sát giao thông ở đâu khi mà tài xế chạy lấn tuyến, chạy quá tốc độ gây tai nạn cho hành khách. Những việc như thế này không ra sức tuần tra, xử phạt nghiêm túc mà cứ quan tâm đến những việc mông lung: phạt xe chính chủ, kiểm tra mũ bảo hiểm đúng chuẩn, thu phí bảo trì đường bộ… Nói chung là chăm chăm nhìn vào túi tiền người dân”.
Lương tâm để ở đâu ?
Bạn đọc Henri nhận định: “Đây là thủ đoạn làm tiền của các nhân viên y tế của đội 486 thì đúng hơn. Một hành động phải nói là vô cảm với đồng loại. Trong khi các nạn nhân đang cần cấp cứu vậy mà nhân viên đội này chỉ nghĩ đến tiền, tiền. Họ đã được học gì ở trường y khoa ? Lời thề Hippocrates họ đã bị đồng tiền che khuất rồi ư?”.
Không chấp nhận cách hành xử như trên, bạn đọc Kim Xuân, chỉ rõ: “Những con người vô lương tâm như vậy Bộ Y tế và những quan chức ở Khánh hòa phải xử lý sao cho người dân đỡ bức xúc. Những người bị tai nạn đã đau đớn về thể xác và tinh thần rồi sẽ dần dần vơi đi, nhưng khi nhớ lại cái cảnh bị đòi tiền mới chở đi cấp cứu thì sự thất vọng của họ sẽ đi đến cuối đời. Những cảnh nhiễu nhương thì có thể ở đâu cũng có nhưng nó lại xuất hiện ở những “thiên thần áo trắng” và trong hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy thì đau lòng quá”.
Rạch ròi về trách nhiệm phục vụ của y bác sĩ, bạn đọc Phạm Nguyên Khang, nói rõ: Ông đội trưởng đội điều trị 486 vùng D trả lời quá tắc trách. Xe cấp cứu của đơn vị này do tiền của nhân dân đóng góp qua thuế. Xăng, dầu được cấp cũng từ những đồng tiền đó, thậm chí tiền lương nuôi sống gia đình của các vị cũng do dân đóng mà có thì sao lại hành xử kiểu vô ơn như thế. Chỉ có lòng tham và văn hóa bản thân quá kém mới có những chuyện như thế xảy ra”.
Bạn đọc Tư Lương bày tỏ cảm xúc: “Đọc tin này mà thấy quá đau xót và uất ức. Họ là ai mà cư xử như thế với đồng bào của mình đang gặp nạn. Đã không tích cực cứu giúp thì thôi, còn trắng trợn đến nỗi móc ví của người bị nạn lấy tiền chở đi cấp cứu. Tôi khóc cho cả hai nỗi đau này, một khóc thương, một khóc uất ức”.
Mỗi năm có gần 12.000 người chết vì TNGT Không phải ngẫu nhiên mà có người cho rằng hậu quả do TNGT gây ra tại Việt Nam mỗi năm bằng cả một cuộc chiến tranh: gần 12.000 người chết và 9.200 người bị thương. Con số này có thể gây sửng sốt với bất cứ ai lần đầu nghe nói đến, nhưng đáng buồn là ở Việt Nam nó diễn ra thường xuyên đến nỗi mọi người thấy con số này là bình thường. Một sự bình thường đến đau xót.
Theo thống kế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2008, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về số người chết vì TNGT. Tính bình quân trong năm 2008, số người chết vì TNGT của Việt Nam là 284 người/1 triệu dân, kế đó là Pháp 132 người, Mỹ 71 người, Đức 52 người, Anh 38 người và Nhật Bản là 32 người. |
Bình luận (0)