Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa chấp thuận phương án xây dựng cầu vượt qua khu vực Đàn Xã Tắc (gần ngã tư Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) do Ban Quản lý dự án trọng điểm giao thông đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) đệ trình và được Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP thẩm định. Việc này đã tiếp tục làm dấy lên những dư luận trái chiều giữa nhà quản lý và các nhà sử học, văn hóa.
Vi phạm Luật Di sản
Cầu vượt này có chiều dài khoảng 630 m, rộng 14,5 m với 4 làn xe; 2 trụ cầu cách nhau 62 m nằm bên ngoài khu vực bảo tồn Đàn Xã Tắc. Lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẳng định phương án này đã được sự chấp thuận của Bộ GTVT và Bộ VH-TT-DL.
Quyết định của UBND TP Hà Nội đã và đang gặp phải những luồng phản ứng gay gắt từ phía các nhà sử học. Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Sử học Việt Nam, đây là di tích cư trú sớm nhất của con người, nằm trong vùng trung tâm của Thăng Long xưa nên mang một giá trị rất đặc biệt. Hơn nữa, di tích mới chỉ được khai quật một phần, những hố khai quật trước đây được dùng để xác định chỉ giới chứ chưa phải là của toàn bộ di tích. Chính vì thế, những khu vực nằm ngoài di tích đã phát lộ là một bộ phận của di tích trong tính toàn vẹn, không thể tùy tiện phá hủy. “Khi xây dựng cầu vượt chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới một phần lõi của di tích chưa được khai quật. Nếu để xảy ra việc đó là vi phạm Luật Di sản nghiêm trọng và sẽ phải đình chỉ thi công. Khi ấy, việc triển khai dự án cũng sẽ gặp khó khăn” - GS Phan Huy Lê lo ngại.
Trước việc phản ứng của các nhà sử học về chuyện xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng có thể mở rộng diện thu hồi đất để làm cầu vượt lượn vòng, tránh khỏi khu vực nhạy cảm này.
Tuyến đường “đắt nhất hành tinh”
Dự án cầu vượt qua Đàn Xã Tắc nằm trong dự án xây dựng đường vành đai I (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu) được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư lúc đó là 642 tỉ đồng. Trong đó, tiền giải phóng mặt bằng là 527 tỉ đồng, xây lắp 50 tỉ đồng.
Ngay từ lúc khởi công năm 2010, tính trung bình mỗi mét vuông trên tuyến này đã ngốn mất hơn 1 tỉ đồng. Thống kê gần nhất của UBND quận Đống Đa cho thấy phương án đền bù giải phóng mặt bằng đã có nhiều thay đổi, riêng tiền đền bù, giải phóng mặt bằng đã lên tới 743,5 tỉ đồng, từng được xem là “đắt nhất hành tinh”.
TS Phạm Sĩ Liêm nhận xét: Chúng ta đang lấy tiền Nhà nước làm đường nhưng lợi ích mang lại phần lớn thuộc về những hộ dân “tự dưng” trở thành nhà mặt phố. Những hộ đang sinh sống yên ổn thì bị đẩy đi tái định cư xa tít. Trong khi đó, những “nhà đầu tư” lắm quan hệ biết trước quy hoạch nên hùn hạp nhau mua đất đúng vị trí làm đường từ cách đây cả chục năm để giờ hưởng lợi, đòi đền bù vống lên.
Ông Liêm cho biết Luật Xây dựng đã quy định khi mở đường phải bảo đảm mỗi bên 50 m. Đất không dùng làm mặt đường và vỉa hè có thể đấu giá cho những người có nhu cầu. “Nếu đấu giá khéo thì Nhà nước có thể không mất tiền làm cả tuyến đường đó nhưng họ đâu có chịu làm với đủ lý do” - TS Liêm nói.
Biểu tượng của quốc gia, dân tộc Theo các nhà sử học và văn hóa, Đàn Xã Tắc là loại đàn tế cổ, được lập để tế thần Đất, thần Nông và là một trong những di tích quan trọng vào bậc nhất của kinh thành Thăng Long xưa. Trong các nghi lễ do triều đình chủ tế ngày xưa, cúng đàn Xã Tắc và cúng đàn Nam Giao có ý nghĩa thiêng liêng bậc nhất, trong đó Đàn Xã Tắc là biểu tượng của đất nước, quốc gia, dân tộc. Đàn Xã Tắc được lập từ thời vua Lý Thái Tông (năm Mậu Tý 1048), đến sau thời vua Lê Chiêu Thống (1788) thì mất dấu. Đàn Xã Tắc được tình cờ tìm thấy vào cuối năm 2006, khi xây dựng tuyến đường vành đai I (đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa). Đến năm 2007, Bộ VH-TT-DL đã ban hành quyết định phê duyệt khu vực bảo vệ di tích lịch sử Đàn Xã Tắc, trong đó xác định vùng bảo vệ cấp 1. Bộ VH-TT-DL và UBND TP Hà Nội đã thống nhất giải pháp lấp cát để bảo vệ và cho phép xây dựng đường giao thông đi qua ranh giới khu vực bảo vệ cấp 1. Để khẳng định dấu tích của Đàn Xã Tắc, TP Hà Nội đã bố trí thảm xanh có tính chất là đảo giao thông và có lưu dấu bằng hiện vật. |
Bình luận (0)