Bạn đọc LÊ VĂN CẢI: Xác định đúng bệnh, đúng thầy, đúng thuốc
Tình hình trật tự an toàn giao thông hiện nay một phần là hậu quả của thời gian dài buông lỏng quản lý trong một số lĩnh vực nên nhiều vi phạm đã trở thành thói quen khó bỏ. Muốn đi vào nề nếp ngay lúc này là vô cùng khó khăn, không thể thực hiện ngày một ngày hai.
Hàng chục năm nay, cơ quan chức năng đã đưa ra rất nhiều giải pháp, bằng việc liên tục cho ra đời các nghị định, trong đó tăng mạnh mức phạt và tạm giữ phương tiện giao thông luôn được đặt lên hàng đầu, với mong muốn nhanh chóng lập lại trật tự an toàn giao thông. Dù vậy, ùn tắc, vi phạm và tai nạn giao thông không giảm, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Thực tế cho thấy việc tăng chế tài chưa giải quyết được gì nhiều.
Để lập lại trật tự an toàn giao thông, trước hết phải phát hiện được hầu hết các vi phạm để xử lý, từ nhắc nhở đến các mức phạt nặng nhẹ khác nhau, kiểu "mưa dầm thấm lâu". Muốn làm được việc này, cần thành lập đội trật tự quy tắc đô thị, với nhiệm vụ phát hiện hầu hết các biểu hiện vi phạm, từ đó kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn. Nếu ai cố tình vi phạm, yêu cầu lực lượng thực thi pháp luật đến xử lý, không để tích tụ lâu ngày thành sai phạm lớn.
Một vấn đề hết sức nhức nhối hiện nay là nhiều vi phạm đã thành thói quen khó bỏ như: lấn chiếm lòng lề đường; dừng đậu không đúng quy định; đi ngang tắt qua đường; giành giật, lấn ép không nhường nhịn nhau...
Thế nên, nói rằng trật tự an toàn giao thông hiện nay như "con bệnh" cũng không sai. Muốn trị được bệnh, phải xác định đúng bệnh, đúng thầy, đúng thuốc. Phải tìm cho được đâu là nguyên nhân chính gây kẹt xe và tai nạn giao thông, để từ đó tập trung "hỏa lực" mạnh và trọng điểm, không nên làm dàn trải, kém hiệu quả.
Ùn tắc chủ yếu là do không nhường nhịn nhau, người nào cũng muốn đi trước, cuối cùng không ai đi được và... kẹt xe. Cho nên, nếu biết nhường nhịn sẽ hạn chế đáng kể tình trạng này. Cần thực hiện tuyên truyền, vận động, giáo dục, nhắc nhở một cách sâu rộng, sau đó mới là chế tài với mức phạt có thể đóng dễ dàng, trên tinh thần lấy cảm hóa, giáo dục làm nền tảng.
Với tai nạn giao thông nghiêm trọng, nguyên nhân chính vẫn là phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, lấn trái... Đây mới là vấn đề cần quan tâm, phải xem là tội phạm trong giao thông và quyết liệt trừng phạt.
Bạn đọc TÚ NGUYÊN: Cần giải pháp căn cơ
Nói đến văn hóa giao thông là nói đến một phạm trù vừa có chiều rộng lẫn chiều sâu vừa có yếu tố con người lẫn vật chất, có mối quan hệ hữu cơ giữa người tham gia giao thông lẫn người thực thi luật giao thông; trong đó, những người trong cuộc phải có ý thức bảo vệ mình và có trách nhiệm đối với xã hội.
Để văn hóa giao thông đi vào cuộc sống thường nhật của người dân, cần ý thức tuân thủ luật từ người tham gia giao thông, chế tài nặng với những hành vi vi phạm pháp luật và sự liêm chính, nghiêm minh của người thực thi nhiệm vụ.
Xây dựng ý thức tuân thủ luật thông qua gia đình: ông bà, cha mẹ là tấm gương, bài học tốt cho con, cháu noi theo; nhà trường: có giáo trình về luật đi đường cho học sinh, phối hợp thường xuyên với ngành giao thông để tuyên truyền, tập huấn cho học sinh về luật giao thông, có kiểm tra, đánh giá, thưởng khích lệ cho những học sinh làm tốt.
Về chế tài xử phạt, Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã tăng mức phạt rất nặng đối với vi phạm trong lĩnh vực giao thông. Việc tăng chế tài xử phạt vi phạm vào thời điểm này là cần thiết khi mà hành vi vi phạm giao thông đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian qua. Hy vọng việc này sẽ tăng sự răn đe, cảnh tỉnh đối với người dân.
Cuối cùng, để xây dựng văn hóa giao thông, không thể không nói đến lực lượng CSGT, nhân tố rất quan trọng nhằm thúc đẩy, góp phần hình thành, hoàn thiện văn hóa giao thông. Phạt nặng người vi phạm khi tham gia giao thông sẽ không có ý nghĩa gì nếu có tiêu cực trong một bộ phận CSGT.
Gia đình đóng vai trò quan trọng
Hiện nay, an toàn giao thông cho con em luôn là mối bận tâm của phụ huynh nhưng nghịch lý ở chỗ, rất ít người hướng dẫn cho trẻ về Luật Giao thông đường bộ, văn hóa giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn.
Thậm chí, nhiều phụ huynh khi đưa rước con em còn vô tư vượt đèn đỏ, lấn làn, leo vỉa hè, hùng hổ nếu xảy ra va quẹt trên đường... Trẻ sẽ học được gì từ những vi phạm của người lớn?
Gia đình là nơi trực tiếp giám sát, quản lý con em và cùng với nhà trường thực hiện các nội dung giáo dục, giúp trẻ có định hướng giá trị đúng trong cuộc sống. Những gì trẻ chứng kiến, học được từ bố mẹ trong những năm đầu đời sẽ in hằn rất sâu. Việc thường xuyên giáo dục, nhắc nhở con trẻ tham gia giao thông một cách cẩn thận, tuân thủ quy định, tôn trọng người xung quanh... ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ có những hành xử đúng đắn sau này.
Lê Quang Huy
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-6
Bình luận (0)