xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xe buýt vẫn còn gây chán ngán

LÊ VĨNH - ANH VŨ - TUYẾT TRINH

Dịch vụ xe buýt vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục để loại hình giao thông công cộng này nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân

Thời gian qua, chất lượng phục vụ trên xe buýt ở TP HCM đã chuyên nghiệp hơn, cơ sở vật chất trên xe và các điểm đón xe buýt cũng đã được nâng cấp. Qua đó người dân tiếp cận xe buýt cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập trong quá trình hoạt động cần được quan tâm, chấn chỉnh.

Thái độ phục vụ khách kém

Ngày 17-3, chúng tôi lên xe buýt số 14 đi Bến xe miền Tây. Sau thông báo ghé trạm, một phụ nữ (khoảng 60 tuổi) bước đến cửa trước đứng chờ để xuống xe. Thấy xe buýt đã dừng hẳn nhưng cửa xe chưa mở, người phụ nữ này liên tục nhắc tài xế. Đến lần thứ 3, tài xế quay mặt lại đáp trả người phụ nữ bằng giọng khó chịu: "Đi xuống cửa sau kia kìa!". Lúc này, người phụ nữ vừa đi xuống cửa sau vừa nói: "Người ta đi nhầm thì hướng dẫn đàng hoàng cho người ta biết. Làm gì mà nạt nộ ghê vậy?".

Cũng chuyến xe này, khi đến trước cổng Bến xe miền Tây, thay vì chở hành khách vào bên trong, tài xế và tiếp viên yêu cầu những người còn lại xuống xe. Nhiều hành khách ngơ ngác, thắc mắc vì sao không được chở vào bên trong bến xe như mọi lần, tài xế liền nạt: "Đã bảo xuống thì xuống liền đi". Bất đắc dĩ, hành khách phải xuống xe, tay xách nách mang hành lý, đội nắng băng qua đường Kinh Dương Vương để đi bộ vào bên trong Bến xe miền Tây.

Xe buýt vẫn còn gây chán ngán - Ảnh 1.

Cụ bà chật vật xuống xe, không được tiếp viên giúp đỡ Ảnh: LÊ VĨNH

Trưa 18-3, chúng tôi lên xe buýt số 6 để đi đến Trường ĐH Nông Lâm. Xe chạy đến Trường Tiểu học Phù Đổng (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh), một cụ bà khoảng 70 tuổi với dáng vẻ mệt mỏi chuẩn bị xuống xe. Xe dừng lại, cụ bà chậm rãi bước từng bước xuống xe, một tay cầm gậy, một tay cầm túi thuốc to run run vịn vào cửa xe. Lúc này, nam tiếp viên vẫn ngồi yên ở hàng ghế đầu, ngoảnh lại nhìn nhưng không hề có một cử chỉ nào hỗ trợ bà cụ.

Tương tự, chiều 25-3, trên chiếc xe buýt số 27 (hướng về Bến xe buýt Sài Gòn), người đàn ông khiếm thị xuống xe tại một trạm nằm trên đường Lý Thái Tổ. Xe dừng lại, người đàn ông này di chuyển từ ghế ngồi ra cửa, rồi dùng gậy mò mẫm bước xuống xe. Tiếp viên vẫn ngồi trên hàng ghế đầu, mặc người đàn ông khuyết tật chật vật bước từng bước xuống xe. Chứng kiến cảnh này, một hành khách gần đó vừa giúp người đàn ông khuyết tật vừa ngao ngán: "Người ta khuyết tật mà tiếp viên cứ làm ngơ, không giúp gì".

Vẫn còn những tệ nạn

Sáng 11-3, H.T.T (nhân vật đã được đổi tên), một nữ sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM đã đăng trên Facebook việc bị một nam thanh niên quấy rối. Trao đổi với chúng tôi sau đó, T. cho biết sự việc xảy ra vào chiều 10-3 khi T. đang đi trên chiếc xe buýt số 33 (từ trạm ký túc xá khu A ĐHQG TP HCM về trạm ký túc xá khu B ĐHQG TP HCM). "Lúc đó, xe khá vắng, một nam thanh niên mang ba-lô phía trước, tay xách theo gói đồ lên xe ngồi xuống cạnh tôi. Lát sau, tôi cảm thấy đùi âm ấm. Nghi ngờ có người đụng chạm vào cơ thể mình nên tôi đưa tay xuống thì chạm phải tay người đó" - nữ sinh viên T. kể.

Khi phát hiện, T. hét lên rồi đánh kẻ biến thái, còn gã thanh niên liên tục chối bỏ hành vi của mình. Bị "chất vấn", nam thanh niên lại đổ lỗi do T. "ăn mặc mát mẻ" nên mới vậy.

Bốn năm sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển chính, N.T.N.H (sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP HCM) có nhiều trải nghiệm khó quên trên xe buýt. "Tôi thường xuyên đi xe buýt số 8, xe đông nên nhiều lần gặp các vấn đề như biến thái, móc túi... Bản thân tôi cũng đã từng 2 lần bị quấy rối trên xe buýt. Đến giờ, tôi vẫn còn cảm giác ghê tởm" - H. kể.

Chị Mai Nguyễn Quỳnh Trâm (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) có kỷ niệm "nhớ đời" khi trở thành nạn nhân của nạn móc túi trên xe buýt. "Lần đó, tôi di chuyển từ trường về nhà trên xe buýt số 8. Vì quá mệt nên tôi chợp mắt một chút trên xe. Vừa xuống trạm, kiểm tra đồ đạc, tôi mới bàng hoàng phát hiện bị mất điện thoại" - chị Trâm kể.

Còn với chị Lê Thị Anh Đào (ngụ TP Dĩ An, Bình Dương), trong một lần đi xe buýt, chị đã bất bình trước hình ảnh tài xế và tiếp viên vô tư mở hài, xem YouTube bằng điện thoại trên xe, âm thanh cực lớn. "Tôi muốn lên tiếng nhắc nhở tài xế nhưng sợ bị nói lo "chuyện bao đồng" nên thôi" - chị Đào nhớ lại.

Theo chị Đào, công bằng mà nói, chất lượng dịch vụ xe buýt gần đây đã có sự cải thiện. Hơn nữa, do giá xăng tăng cao, nhiều người quyết định sử dụng xe buýt đi làm, đi học để tiết kiệm. Xe buýt cần tận dụng cơ hội này thu hút thêm nhiều hành khách và hình thành thói quen đi xe buýt cho người dân. Chỉ cần xử lý triệt để các "hạt sạn", người dân sẽ ủng hộ và sử dụng loại hình này. Việc này không khó, nếu các cơ quan chức năng quyết tâm.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, người dân có thể liên hệ Tổng đài 1022 (nhánh số 9) hoặc số điện thoại 0981.960.202 để trình báo khi gặp vấn đề về an ninh như bị quấy rối, móc túi trên xe buýt.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo