Hiện TP HCM có 138 tuyến xe buýt, khoảng 3.000 xe đang lưu thông với khoảng 80 điểm đầu cuối và 20 bãi đỗ ổn định, đa số là các tuyến xe buýt có trợ giá. Với mục tiêu phát triển xe buýt một cách hiệu quả, trở thành phương tiện giao thông công cộng phổ biến, được ưa chuộng thì cả cơ quan quản lý - vận hành, đội ngũ nhân sự lẫn hành khách đều cần có những đổi mới trong tư duy và hành động.
Tăng tính cạnh tranh bằng giá trị thực
Việc đáp ứng nhu cầu đi lại và mang đến những trải nghiệm làm hài lòng khách hàng là nhiệm vụ tất yếu đối với đội ngũ nhân viên tài xế, phụ xe, tiếp viên. Tuy nhiên, sau nhiều năm hình thành và phát triển, không ít những chuyến xe buýt vẫn còn mang đến cảm giác "xe đò" thời mới mở cửa bởi thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp của một bộ phận tài xế: khó chịu, nạt nộ, thờ ơ, không hỗ trợ hành khách, lạng lách, sử dụng điện thoại khi đang cầm lái…
Không thể phủ nhận nhiều tài xế, phụ lái, tiếp viên soát vé xe buýt có sự hòa nhã, lịch sự, nhiệt tình, đem lại thiện cảm cho hành khách nhưng không phải chuyến xe nào cũng đạt được điều này.
Nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt không thể chỉ bằng những lời hô hào suông mà nhất thiết cần có các quy chuẩn cụ thể, có những khóa đào tạo kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu từ các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý, vận hành. Làm sao để có một bộ quy chuẩn trong ứng xử và phục vụ để lực lượng nhân sự phục vụ xe buýt có thể làm cơ sở điều chỉnh hành vi hoặc tiếp tục phát huy cái hay, cái tốt là rất quan trọng. Qua đó, hành khách cũng dễ dàng phát hiện ra những sai sót, thiếu trách nhiệm của nhân viên xe buýt để có đánh giá, phản ánh phù hợp.
Mặt khác, chăm lo đời sống của đội ngũ những người gắn bó với ngành nghề xe buýt cũng là lời giải giúp họ thêm yêu, trân trọng công việc và có thái độ phục vụ tốt hơn. Khi vật giá ngày càng leo thang mà lương thưởng của tài xế, tiếp viên xe buýt còn quá khiêm tốn, khó tránh khỏi ức chế, ảnh hưởng tâm lý làm việc.
Cơ quan quản lý có thể cân nhắc giải pháp tăng giá vé trong một chừng mực nào đó là điều hoàn toàn chấp nhận được. Một giải pháp khác là cần năng động, linh hoạt thực hiện hoạt động quảng cáo trên thân xe hoặc màn hình tivi trong xe - vốn cũng là hình thức quen thuộc ở nhiều nơi hiện nay. Từ đó, có nguồn thu để thu nhập của nhân viên xe buýt được cải thiện cũng như tái cơ cấu cơ sở vật chất.
Việc thiết kế lộ trình, khung giờ khởi hành và vào bến của các tuyến xe cũng cần xem xét thận trọng, có tính toán khoa học, hợp lý. Không ít trường hợp tài xế lý giải việc phóng nhanh, nhấn ga hết nấc, thậm chí những căng thẳng dồn nén của mình là do áp lực "về bến trễ sẽ bị đóng phạt" khi các mốc giờ thì sít sao mà trên đường dễ gặp cảnh kẹt xe, ùn ứ.
Hiện nay, hệ thống xe buýt được nâng cấp nhiều về phương tiện và trạm dừng để phục vụ tốt cho người dùng Ảnh: Hoàng Triều
Khích lệ hành khách hành xử văn minh
Trong bối cảnh giá xăng, dầu liên tục tăng cao và việc người dân trở lại lao động, học tập giai đoạn "bình thường mới" thì lượng khách đi xe buýt ngày càng nhiều hơn. Theo Trung tâm Quản lý Giao thông Công cộng TP HCM, trong tháng 3-2022, khách đi xe buýt bình quân khoảng 100.000 lượt mỗi ngày, tăng 52% so với tháng trước.
Tại các quốc gia đang phát triển, việc dùng phương tiện công cộng là điều hết sức quen thuộc và bình thường chứ không phải không có phương tiện cá nhân hay không đủ điều kiện tài chính để dùng taxi, xe ôm, ôtô công nghệ. Để làm được điều này trước hết phải tuyên truyền để người dân nhận thức được lợi ích của phương tiện công cộng trong việc giảm ùn tắc giao thông và góp phần bảo vệ môi trường. Khi có được tâm thế lựa chọn xe buýt là một trong những hành động văn minh, góp phần cho sự phát triển của thành phố bên cạnh việc phù hợp nhu cầu, điều kiện bản thân thì hành khách sẽ thêm thoải mái và dần hình thành thói quen.
Dễ dàng nhận ra nhiều người sử dụng xe buýt vì ưu điểm tiết kiệm chi phí song điều mà ai cũng mong muốn là sự an toàn và tiện lợi. Hiện nay, hệ thống xe buýt được nâng cấp nhiều về phương tiện và trạm dừng để phục vụ tốt cho người dùng. Nếu hành khách chung tay giữ gìn vệ sinh chung trên xe buýt, trạm dừng thì mang lại lợi ích chung cho nhiều người, trong đó có chính mình.
Mặt khác, xe buýt được nhiều người cao tuổi, người khuyết tật… dùng thường xuyên. Nếu cùng là hành khách trên xe, đừng ngần ngại giúp đỡ những đối tượng yếu thế này. Chỉ một việc làm nhỏ như nhường ghế cũng góp phần làm cho môi trường xe buýt thêm văn minh, nghĩa tình.
Một hành động khác tuy với nhiều người là thử thách nhưng không phải là không thể thực hiện: đó là mạnh dạn đấu tranh với cái xấu. Các trường hợp bị quấy rối, sàm sỡ, móc túi… trên xe (đặc biệt là những chuyến xe đông người) khi nạn nhân cầu cứu, xin đừng thờ ơ! Việc tránh xa cái ác, cái xấu không bảo đảm việc ta sẽ không bao giờ rơi vào tình huống tương tự trong tương lai. Chỉ có cùng đồng lòng, đoàn kết đấu tranh với điều tiêu cực mới thiết thực góp phần triệt tiêu cái xấu.
Xe buýt đã và vẫn đang là xu thế không thể thiếu trong phát triển hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Nhiều tín hiệu tích cực thời gian qua cho thấy người dân không quay lưng với xe buýt nhưng chưa coi đó là lựa chọn tối ưu. Cơ quan chức năng và ban, ngành liên quan hãy tạo cơ chế để người dùng được chung tay xây dựng văn hóa khi sử dụng xe buýt bằng các kênh kết nối, phản hồi dễ dàng như ứng dụng, hotline. Đội ngũ quản lý cũng phải cầu thị tiếp thu các góp ý, nhanh chóng xử lý các hiện tượng bất cập và đề cao, khen thưởng những điển hình tốt, lan tỏa những câu chuyện đẹp, cách làm hay.
Bình luận (0)