Trên các phương tiện truyền thông, một số người cho rằng xăng bị pha các chất dễ cháy như cồn methylic (còn gọi là methanol trong vai trò nhiên liệu), aceton, xăng A83, tạp chất kim loại trong methanol như kali, natri… là những nguyên nhân gây cháy xe.
Không thuyết phục
Về xăng pha methanol, nếu là methanol đích thực thì nó phải được chế biến đạt những chỉ tiêu làm nhiên liệu. Thế giới cũng đã pha methanol vào xăng làm hỗn hợp nhiên liệu từ lâu. Hiện nay, sau khi methanol ở Trung Quốc đã được tiêu chuẩn hóa dùng làm nhiên liệu, được bán rộng rãi, vẫn chưa thấy thông tin cháy xe vì dùng xăng pha chất này. Đến nay, trong các tài liệu tham khảo liên quan, không thấy tài liệu, văn bản nào nói đến nguy cơ gây cháy, nổ khi dùng hỗn hợp nhiên liệu xăng – methanol. Methanol có ẩn nhiệt bốc hơi 117 8 MJ/kg, lớn gấp 2,8-3,56 lần so với xăng (330-420 MJ/kg). Khó bốc hơi thì cũng không dễ gì gây cháy, nổ.
Trong khi đó, xăng A83 thì trị số octan thấp. Nó sẽ làm giảm khả năng chống kích nổ của động cơ (nên không thể gây cháy). Bản thân xăng A83 đã một thời là nhiên liệu cao cấp của động cơ xăng. Trước thời xăng A83, chúng ta đã từng phải dùng xăng A76, A72, A66, thậm chí cả A56 ở những năm 1960-1980 nhưng không xảy ra cháy xe như bây giờ.
Chất lượng phụ tùng, quá tải điện?
Xe có thể bị lắp phụ tùng kém chất lượng. Ví dụ, một bộ IC Nhật Bản giá khoảng 1 triệu đồng nhưng nếu thay IC Trung Quốc bán trôi nổi trên thị trường thì rẻ hơn rất nhiều. Người tiêu dùng nào chẳng may mua phải xe lắp bộ IC Trung Quốc, hay có thể khi đưa xe đi sửa, bị thay đồ phụ tùng dỏm này thì nguy cơ cháy là rất lớn. Sau khi xe chạy, máy bị hâm nóng, IC do hoạt động cũng tự nóng lên. Sau khi tắt máy, nhiệt độ của IC không nguội ngay mà còn nóng có khi hàng giờ. Nếu rò rỉ xăng, dù lúc này xe không hoạt động, hơi xăng bốc ra, mật độ tăng dần, đến khi đạt ngưỡng bắt lửa lại gặp độ nóng thì bắt cháy.
Nhiều trường hợp cháy xe thời gian qua mà nguyên nhân do chập điện là điều không còn gì để bàn cãi. Nhưng vì sao các vụ chập điện gây cháy xe lại xảy ra với tần suất cao như vậy? Có ý kiến cho rằng nguyên nhân có thể là do chủ sở hữu đã lắp thêm nhiều loại thiết bị điện nhằm nâng cao tính tiện nghi cho xe. Thế tại sao khi lắp thêm các thiết bị tiện nghi hiện đại thì xe lại dễ xảy ra cháy?
Trong ô tô đời mới, trang thiết bị điện tử được lắp song song với nhau và đã được hãng chế tạo trù tính đầy đủ về mức độ an toàn sử dụng điện. Công suất sử dụng của các thiết bị phù hợp công suất nguồn điện cung cấp - ắc-quy và máy phát điện của xe. Nếu tự ý lắp thêm nhiều thiết bị sử dụng điện mà không lắp thêm nguồn cung cấp điện riêng cho những thiết bị này, việc quá tải cho dây dẫn chủ của mạch điện trên xe là dễ hiểu. Khi lắp thêm “đồ chơi”, điện trở tương đương của toàn mạch điện sẽ giảm, cường độ dòng điện sẽ tăng theo tỉ lệ nghịch với giá trị giảm đi của điện trở tương đương toàn mạch. Dây dẫn chủ sẽ phát nhiệt đột biến khi nhiều thiết bị cùng lúc được bật lên. Đó chính là nguyên nhân gây chập cháy.
Để tránh chập cháy dây điện của xe, khi người tiêu dùng muốn lắp thêm các thiết bị điện khác để tăng tính tiện nghi thì bắt buộc phải lắp bổ sung một bình ắc-quy khác làm nguồn điện cung cấp cho các thiết bị này. Điều đó là hoàn toàn cho phép về mặt kỹ thuật với điều kiện không tự ý lắp ráp mà phải qua bộ phận dịch vụ tư vấn kỹ thuật của hãng.
Taxi cháy, tài xế phỏng nặng Khoảng 2 giờ ngày 11-1, ngay trước đại lý bán lẻ xăng dầu DNTN Nam Phát Đạt trên đường Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc, quận 12-TPHCM, chiếc taxi của hãng Vinasun đang đậu bất ngờ bốc cháy dữ dội thiêu rụi hoàn toàn bên trong xe. Thời điểm xe cháy, tài xế taxi là anh Phan Đức Hòa (SN 1979, quê tỉnh Nghệ An) đang ngủ bên trong xe, do bất ngờ không thoát ra được nên bị phỏng nặng. Theo ông Tạ Long Hỷ, đại diện hãng taxi Vinasun, chiếc xe bị cháy loại 7 chỗ, đời 2008, hiệu Innova J đang hoạt động bình thường và có kiểm định định kỳ. Hiện anh Hòa đang được điều trị tại Bệnh viện 175, sức khỏe đang trong tình trạng nguy kịch do bị ngạt khói và phỏng nhiều chỗ. T.Tiến – T. Hồng |
ĐỨC HUY ghi
Bình luận (0)