Quốc lộ 19 có chiều dài 240 km, là con đường huyết mạch nối liền các tỉnh Tây Nguyên với dải duyên hải miền Trung. Hiện tại toàn tuyến chỉ có một trạm kiểm tra tải trọng xe số 55, đặt tại xã Cửu An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Hằng ngày, các xe chở quá tải dễ dàng vượt qua trạm kiểm soát này bằng những “thủ tục” rất đơn giản.
Điểm mặt xe quá tải
Sau nhiều lần thuyết phục, chúng tôi được N.T.T, một tài xế xe tải chuyên chạy tuyến Quốc lộ 19 đồng ý cho tháp tùng xe. Tối 21-5, T. điều khiển xe tải “hai chân” (tiếng lóng dùng chỉ xe 2 trục) có tổng trọng lượng cả xe và hàng là 8 tấn chở phân bón từ TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định lên tỉnh Gia Lai.
Khoảng 21 giờ 30 phút, xe tới trạm dừng dưới chân đèo An Khê, tỉnh Bình Định. Tại đây, từng đoàn xe “ba chân”, “bốn chân” đang xếp hàng kiểm tra an toàn chuẩn bị leo đèo. Dẫn đầu đoàn là 2 xe tải “bốn chân” BKS 77H-3306 và xe tải BKS 77C-032.69 cùng chở phân bón nặng nhọc nhích từng mét một. Tiếp theo sau là xe tải loại “bốn chân” BKS 77C-04455 của Công ty Vận tải MT và xe tải BKS 77C-036.38 phủ bạt kín mít, thùng xe oằn xuống sát bánh, ì ạch chờ qua trạm.
Tài xế T. cho biết cánh lái xe gọi những xe này là xe “khủng long” vì chở rất nặng. Đối với loại xe “bốn chân” cả hàng và xe không được phép vượt mức 35 tấn nhưng những xe này đều chở trên 50 tấn. “Tuy lãnh đạo cảng Quy Nhơn đã ký cam kết không chở quá tải với các công ty vận tải xe nhưng ông nhìn xem các xe chở ngút ngàn kia bốc hàng từ cảng ra chứ đâu” - tài xế T. cho biết. Ngoài các công ty vận tải lớn như MT, HP, GK, PL (khoảng hơn 15 chiếc mỗi công ty)... còn có hàng trăm xe chở hàng của cá nhân cũng tăng cường chở vượt tải đi trên tuyến đường này mỗi ngày.
“Nhớ bọc sổ trong túi áo nghe chưa...?!”
Khoảng 22 giờ 15 phút, xe chúng tôi qua chốt CSGT 219, Công an tỉnh Gia Lai. Thoáng thấy CSGT đưa đèn ra tín hiệu, phụ xe H. nhanh chóng cầm cuốn sổ nhỏ có đầy đủ giấy tờ và nhiều thứ khác xuống trình. Chưa đầy 1 phút sau, phụ xe trở lại, lên xe tiếp tục lưu thông.
Tới đầu trạm cân số 55, đã thấy đoàn xe hơn 10 chiếc đậu dọc bên đường theo hướng Bình Định đi Gia Lai. Hầu hết tài xế các xe này ngồi yên trong cabin, phụ xe chạy nhanh về phía một CSGT đang đứng đầu trạm trình sổ, sau đó xe tiếp tục lưu thông mà không cần qua trạm cân. Theo hướng ngược lại cũng có 4 xe tải khác đang đậu để phụ xe trình sổ cho một CSGT ngồi khuất bên trong đường, rồi những xe này cũng dễ dàng tiếp tục hành trình.
Phụ xe của chúng tôi nhảy khỏi xe chạy nhanh về phía CSGT đang đứng trước trạm. Một CSGT hỏi: “Cầm cái gì đi đâu vậy?”, “Em có tí bạc chứ có cái gì đâu, từ xe lại đây không có cái gì bọc hết” - phụ xe H. trả lời. Tiếp sau đó, CSGT này hướng dẫn: “Phải đi tay không như đang tập thể dục, khi nào đến mới rút ra. Tôi dặn cả mấy ngàn lần rồi mà sao kỳ vậy, cứ cầm sổ đi ngoài đường huơ huơ là sao?”. Nhận sổ, CSGT hỏi “Xe gì, chở gì?”. Sau khi được khai báo biển kiểm soát, trọng tải và loại hàng đang chở, CSGT này còn dặn thêm: “Bữa sau bọc sổ vô túi áo, đừng có cầm huơ nữa nghe chưa”. Cùng lúc này, 4 thanh tra giao thông của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai đang rảnh rang ngồi trong trạm cân túm tụm lại xem phim.
Chỉ một thời gian sau, xe tải BKS 81L-0309 và 81C-045.69 chở chật cứng sắn lát khô theo hướng từ Gia Lai đi Bình Định sau khi trình sổ thì thản nhiên qua trạm. Cùng lúc, xe tải BKS 81C-001.66 chất đầy hàng buộc bạt kín mít và xe đầu kéo rơ-moóc BKS 77R-0405 lưu thông theo hướng ngược lại cũng dễ dàng vượt trạm sau khi trình sổ...
Chung theo ba-rem
Theo tài xế T., mức chung chi qua trạm có ba-rem sẵn. Xe “hai chân” thì chung 200.000 đồng, “ba chân” chung 300.000 đồng... cứ thế tự giác mà đưa. Riêng xe đầu kéo thì nhiều tiền hơn nữa. Đây là luật bất thành văn, tài xế nào cũng phải thuộc nằm lòng, nếu không thì đừng hòng chạy xe trên tuyến đường này.
Tài xế T. cho biết thêm xe anh chở quá tải 9 tấn. Không chở quá tải thì sẽ không có khách vì tất cả các xe tải khác cũng chở như thế. Nếu chở đúng tải thì khách hàng sẽ thuê xe khác vì lợi hơn.
Bình luận (0)