Bi kịch của người dân xóm Khanh (tỉnh Hòa Bình) sau một đêm bị nửa quả đồi vùi lấp khiến chúng ta đau đến thắt ruột. Ánh mắt khắc khoải ngóng chờ sự trở về trong vô vọng và những đôi tay đào xới đất đá tìm kiếm bóng dáng người thân, hàng xóm khiến chúng ta rưng rưng nước mắt.
Chiếc cầu Thia kiên cố ở Yên Bái bị lũ đánh sập, cướp đi những mạng người quý giá. Hàng loạt ngôi nhà của người dân ở Chương Mỹ (Hà Nội) chìm trong biển nước vào rạng sáng ngày 12-10 sau khi một khúc đê vỡ toang...
Những lát cắt buồn thảm ấy tô đậm cơn giận dữ của thiên nhiên và sự yếu đuối, bé nhỏ, mong manh của con người. Áp thấp nhiệt đới, mưa gió, lũ ống, lũ quét, sạt lở… Ông Trời không thể lên tiếng thanh minh nên người ta mặc nhiên đùn đẩy trách nhiệm, quanh co chối tội.
Dư luận than phiền công tác dự báo thiên tai còn nhiều hạn chế. Cơ quan khí tượng vội phân trần công tác dự báo chưa sát sao vì thiếu thiết bị quan trắc và do mưa "khó lường".
Người ta phàn nàn công tác xả lũ của các công trình thủy điện sai kế hoạch, thiếu khoa học. Đại diện thủy điện khẳng định xả lũ "đúng quy trình" dù đây không phải lần đầu tiên câu chuyện tích trữ nước ồ ạt và xả lũ vô tội vạ bị đem ra mổ xẻ…
Lâu nay, ông Trời đã bị quá nhiều tiếng xấu. Công trình đang thi công bị hư hỏng, lỗi tại ông Trời. Dự án ngàn tỉ xuống cấp, lỗi tại ông Trời... Ông Trời cũng gánh luôn trách nhiệm về những thương vong, mất mát của con người trong lũ dữ. Trong khi cái cần nhất chính là phải truy cứu đến cùng trách nhiệm của những người liên quan trong việc quản lý, điều tiết hệ thống xả lũ, duy tu, bảo hành, sửa chữa hệ thống đê điều.
Cơn giận dữ của tự nhiên còn do bởi những cuộc chạy đua làm công trình thủy điện vẫn chưa dừng lại, nhiều cánh rừng đầu nguồn như những tấm áo giáp vạn năng bị đốn hạ để nhường cho dự án thủy điện.
Và dẫu Chính phủ khẳng định không đánh đổi môi trường tự nhiên cho sự phát triển kinh tế nhưng đâu đó vẫn còn những cá nhân, tổ chức vì lợi ích kinh tế đã hoán đổi rừng xanh thành sân golf, biệt thự, khu nghỉ dưỡng… Đâu đó vẫn còn nhiều kẻ nhẫn tâm đốn hạ rừng không thương tiếc.
Xẻ thịt rừng cũng chính là xà xẻo sự sống của chính mình và con cháu trong tương lai. Chân lý đơn giản ấy lẽ nào chúng ta không hiểu?
Bình luận (0)