Thân gửi các bạn, các nhóm và các đoàn làm từ thiện!
Sau đợt thiên tai vừa rồi, tôi biết hiện nay có rất nhiều các đoàn từ thiện, các nhóm đã và đang kêu gọi sự đóng góp từ nhiều nguồn khác nhau để ủng hộ bà con các vùng khó khăn, đó là một nghĩa cử rất cao đẹp và đáng được trân trọng.
Tuy nhiên có một chút vấn đề mà mình thấy cần phải nói ra ở đây, rất mong được sự ghi nhận của các bạn.
Thứ nhất, mình khẳng định với những chính sách hiện nay của Nhà nước ta thì các hộ dân gặp thiên tai sẽ không hề bị đói và họ cũng không thật cần thiết phải có mỳ tôm, gạo, nước mắm ngay lúc này.
Bỡi lẽ, chính quyền địa phương luôn ưu tiên giải quyết cấp thời vấn đề ăn uống, sức khỏe cho những người bị nạn hoặc người dân cũng đã có sự chuẩn bị trước, ít nhất là có đủ gạo, mỳ tôm và các nhu yếu phẩm cần thiết trong một thời gian nhất định.
Thứ người dân cần ngay là điện, nước sạch và các điều kiện để xây dựng lại cuộc sống ngay khi thiên tai chấm dứt.
Hiện nay đa số các đoàn từ thiện đưa đến hàng cứu trợ chủ yếu là mì tôm, gạo, nước mắm, bột ngọt… những thứ không phải là dư thừa nhưng cũng không thể là đủ vì nó chưa giải quyết được những khó khăn bức thiết của người dân bị nạn.
Lý do của việc này là do một số đoàn tự phát, có số lượng thành viên ít, phạm vi vận động nhỏ hẹp dẫn đến nguồn kinh phí ít nên buộc phải mua các mặt hàng cứu trợ trên. Một số đoàn khác chưa chú ý đến công tác tiền trạm, chưa nắm được các nhu cầu thực sự của nơi mình đến cứu trợ. Một số nữa vận động quyên góp theo quán tính trước kia sao thì nay vậy, chưa định hướng được hàng quyên góp…
Thứ hai, tôi khá bức xúc với một số đoàn từ thiện hình thức, không thực sự xuất phát từ tâm mà chủ yếu là để đánh bóng bản thân cho một số cá nhân.
Trong thực tế mình đã gặp một số đoàn tổ chức khá là rầm rộ, ồn ào, nhưng quà cứu trợ nhiều khi chỉ là 1 thùng mì gói, thiên về số lượng nhiều hơn là chất lượng, đã vậy còn bắt người nhận phải đứng chụp hình để đem về đăng lên mạng xã hội.
Lâu dần, việc cứu trợ như thế này đem lại sự mệt mỏi cho người dân và cả chính quyền địa phương, bởi lẽ không nhận thì không được, mà nhận thì nó cũng… chẳng giải quyết được cái gì mà lại phải mất công đón tiếp, chờ đợi, trong khi biết bao nhiêu công việc quan trọng cần làm.
Giúp người dân dọn dẹp sau lũ là cách "cứu trợ" thiết thực nhất
Vì vậy, theo ý kiến của cá nhân tôi, khi bạn muốn tham gia hỗ trợ 1 vùng bị thiên tai nào đó, theo cá nhân hay theo nhóm thì cũng cần chú ý một số việc sau:
1. Phải chú ý đến công tác tiền trạm, khảo sát tình hình thực tế ở nơi mình sẽ đến giúp, nhu cầu thực sự của người dân bị nạn ở đó là gì, đường đi đến đó như thế nào. Việc đó vừa giúp các bạn dễ dàng hơn trong đi lại, vừa giúp các bạn có thể nắm được nhu cầu thực tế để có những giúp đỡ kịp thời và thực tế, hiệu quả.
2. Khuyến khích từng cá nhân các bạn tổ chức vận động, quyên góp để ủng hộ nhưng tôi khuyên các bạn nên liên lạc và liên kết các nhóm nhỏ lại hoặc tham gia ủng hộ vào một nhóm lớn nào đó để đến hỗ trợ bà con gặp nạn.
Chỉ có như vậy thì mới có đủ nguồn kinh phí, nguồn lực để hỗ trợ được những vật dụng thiết thực cho bà con dùng (đa phần là rất đắt). Mặt khác, việc tổ chức nhóm chặt chẽ sẽ có nhiều thuận lợi cho việc đi lại, nhất là sự an toàn khi đến các vùng bị thiên tai.
3. Khi xây dựng các gói quà để ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn, tùy từng trường hợp nhưng mong các bạn xem xét giữa yếu tố số lượng và chất lượng, đừng quá dàn trải mà bớt đi giá trị của gói hàng hỗ trợ, như trường hợp mình nói lúc nãy (đương nhiên đây là ý kiến của riêng cá nhân).
Hạn chế chụp hình quay phim xuống đến ít nhất có thể.
4. Khi vận động sự đóng góp từ người khác hay chính bạn đóng góp vào các quỹ từ thiện, trừ trường hợp người đóng góp có sự hạn chế, không thì vẫn nên vận động đóng góp tiền là hơn cả, nói ra thì nó rất thực dụng nhưng nó là cần thiết.
Thay vì ủng hộ 1 thùng mì tôm, hãy ủng hộ 50.000 đến 100.000 đồng, hay thậm chí là 10.000, 20.000 đồng cũng được. Số tiền đó với một số đông chúng ta hiện nay thì khá nhỏ và hoàn toàn dễ dàng ủng hộ. Nếu có nhiều người ủng hộ thì số tiền đó cũng sẽ đáng kể và tiền sẽ mua được rất nhiều thứ mà người dân bị thiên tai cần.
5. Nếu có thể, bạn không cần phải đến hỗ trợ ngay trong thiên tai, cũng không nhất thiết phải là cứu trợ bằng các gói hàng cứu trợ. Hãy đến khi thiên tai chấm dứt và giúp đỡ người dân dọn dẹp lại đường sá, nhà cửa, trường học.
Nếu lúc đó họ còn thiếu những gì thì bạn vẫn có thể quyên góp để tặng họ, bằng sức lực của mình bạn hãy đến giúp họ xây dựng lại cuộc sống. Điều đó cũng không kém phần cao đẹp đâu!
Hãy cứu trợ đồng bào của mình bằng cả trái tim và cả khối óc!
Của cho không lãng phí, người nhận thấy ấm lòng
Tương thân tương ái là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Vì vậy mà mỗi khi có địa phương nào gặp thiên tai, hoạn nạn thì đồng bào cả nước lại chung tay giúp đỡ mà các đoàn xe cứu trợ chở quần áo cũ, thực phẩm rầm rộ khởi hành trong mùa bão lũ đã phần nào chứng minh nghĩa cử đó. Nhưng việc cứu trợ này có thật sự thiết thực; có cứu đúng nơi, đúng người, đúng việc hay chỉ mang tính hình thức, cho vui? Làm sao để của cho không lãng phí, người nhận thấy ấm lòng và nó thật sự giúp địa phương vượt qua cơn khốn khó? Để rộng đường dư luận, Báo Người Lao Động mở diễn đàn "CỨU TRỢ CÁCH NÀO CHO ĐÚNG?", kính mời quý độc giả tham gia.
Bài cộng tác với diễn đàn vui lòng gởi về địa chỉ email:online@nld.com.vn hoặc địa chỉ Báo Người Lao Động, số 123 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.
NLĐO
Bình luận (0)