Và thực tế, không chỉ với giá giữ xe, nhiều quy định khác được ban hành nhưng vẫn đứng bên lề cuộc sống như phạt hành chính hành vi sử dụng điện thoại tại cây xăng, bán thịt theo giờ quy định… làm người dân hoài nghi khả năng điều hành, quản lý xã hội của nhà nước.
Quá lạc hậu!
Sau khi Báo Người Lao Động “điểm mặt” một số bãi giữ xe quá giá trên địa bàn TPHCM, nhiều bạn đọc đã cung cấp hàng loạt địa chỉ khác, từ chung cư, bệnh viện đến cơ quan công sở nhà nước. Qua đó phản ánh một thực tế, dù người dân, chủ các bãi giữ xe đến các cấp chính quyền đều biết rõ nhưng khung giá giữ xe của TP vẫn mãi… nằm trên giấy.
Bạn đọc Phan An dẫn chứng: Xe tôi hiệu Future, vừa gởi ở Bệnh viện Y học dân tộc, họ lấy 3000 đồng trong khi quy định mới là 2000 đồng. Xem ra Nghị quyết của HĐND thành phố không ăn thua!
Nhiều bạn đọc cho rằng, thực ra giá giữ xe thực tế trên địa bàn TPHCM và khung giá mới trong nghị quyết của HĐND TP có hiệu lực từ 1-8 chả có liên quan gì với nhau.
Lý giải vấn đề trên, một người khác cho rằng: Đại đa số các bãi trông giữ xe đều giao khoán cho người nhà hay tư nhân dưới hình thức đấu thầu cho có lệ vì thế họ tha hồ tự tung tự tác, chủ trương tăng giá của UBND TPHCM chỉ là theo đuôi họ mà thôi.
Nhà nước nên đề nghị các bãi giữ xe dù lớn hay nhỏ cũng phải niêm yết giá, thời gian hoạt động, nội quy đúng với quy định, kèm theo bên dưới là số điện thoại nóng để người dân báo cáo các tiêu cực cho đoàn kiểm tra giá hoặc cơ quan công an gần đó.
Ngoài ra, nhân viên giữ xe phải đeo bảng tên và có khu vực hoạt động cụ thể để người dân tiện việc khiếu nại nếu có tình trạng ép giá, phá xe của khách khi khách hàng không chấp nhận giá giữ xe. (Hồ Tiến Vũ)
Nên dẹp các bãi giữ xe với tư nhân, giao cho lực lượng Thanh niên xung phong phụ trách thì có thể dẹp được tệ nạn giữ xe quá giá! Tôi thấy ở Bệnh viện 30/4 đã làm tốt việc này! Chỉ e rằng những người có trách nhiệm không muốn làm thôi. Mong rằng chính quyền các nơi đừng xem vấn đề này là chuyện nhỏ...
(Thu Hồng) |
Đồng quan điểm trên, bạn Navie Phạm nhận định, việc HDND quyết định tăng giá giữ xe cuối cùng chỉ là việc hợp thức hóa cho giá thực tế (trước 1-8) và là khởi đầu cho chu kỳ tăng giá mới.
Theo bạn đọc này, vấn đề chính nằm ở chỗ chính quyền không hoặc không thể quản lý được giá giữ xe thực tế. Điều đó khiến đông đảo người dân bị móc túi công khai và bức xúc nhưng vì giá trị nhỏ nên không khiếu kiện. Còn những chủ bãi xe thì thu lợi bất chính nhờ "móc túi" số đông người gửi xe.
Lo xa hơn, bạn đọc Bùi Bỉnh Luân nhận định: Tuy đơn giản chỉ là giá giữ xe nhưng với những gì đang diễn ra thì thấy ý thức chấp hành và việc duy trì kỷ cương của các cơ quan chức năng rất kém. Có câu “cái sảy nảy cái ung”, việc nhỏ không làm được thì làm sao làm được việc lớn!
Thậm chí, khi ngày 9-8 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Sở Tài chính TPHCM và Tổ Kiểm tra liên ngành về giá các quận 3, 6, 10, 12, Gò Vấp đã đồng loạt ra quân kiểm tra việc thu phí giữ xe hai bánh thì vẫn có nhiều bạn đọc hoài nghi đó chỉ là “đánh trống bỏ dùi”.
Bạn Đongkhoibentre nhắn gởi: Nói kiểm tra thì người dân nghe vậy chứ biết sao giờ, rồi cũng lại như cũ thôi. Tôi hy vọng Báo Người Lao Động tìm hiểu xem đằng sau những bãi giữ xe này là ai. Phải chấn chỉnh từ gốc thì may ra mới giải quyết được vấn đề.
Ngày 5-8 vừa qua, nghị định 52/CP của chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực PCCC có hiệu lực thi hành. Theo đó, hành vi sử dụng ĐTDĐ tại các trạm xăng dầu không chỉ bị cấm mà còn bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng.
Còn bạn đọc Lê Hưng lại ví von: Xăng âm thầm leo thang, giờ đến luật (với tiền phạt rất nặng) cũng lặng lẽ ra đời thì.... Quả thật nếu mà phạt người dân vào thời điểm này thì hầu hết đều họ đều bất ngờ không hiểu vì sao mình bị phạt.
Vì vậy, theo ý kiến của nhiều bạn đọc: Muốn luật được thực thi thì trước hết phải quảng bá. Báo chí, phát thanh, truyền hình cũng chưa đủ tới tai người dân. Vì vậy, cần làm những tấm pano, băng rôn, áp phích nơi các cửa hàng xăng dầu nêu rõ quy định này, mức xử phạt để người dân ý thức.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, dù có biết quy định trên thì chưa chắc người dân chấp hành. Bởi vì quy định đã có nhưng chẳng thấy ai đi kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt các hành vi vi phạm.
Ra cái quy định này khác gì cấm hút thuốc lá nơi công cộng chắc phải chờ tới… Tết Công Gô lệnh mới thực thi, một bạn đọc dự đoán.
Ngày 3-9 tới, một quy định nửa vời khác sẽ có hiệu lực thi hành. Đó là Thông tư số 33 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều kiện vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt tươi sống.
Dĩ nhiên, quy định này được người dân nhiệt tình ủng hộ vì góp phần làm sạch bữa cơm của mọi người. Tuy nhiên, ngẫm kỹ lại, nhiều người tỏ ra thờ ơ.
Quy định cho vui đó mà, chứ thực thi quy định này đâu có dễ. Tôi nghĩ bán thịt trong vòng 8 giờ không có khả thi. Mà ai là người đứng ra kiểm tra, giám sát quy định này. Bán thịt 16, 20 giờ, 30 giờ thậm chí cả tuần còn diễn ra nhan nhản mà còn không ai kiểm tra, bạn đọc Tạ Khắc Chuơng nhận xét.
Không chỉ người dân mà ngay cả ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cũng thừa nhận rất khó trong việc triển khai thông tư này.
Để quy định đi vào cuộc sống, ông Dương cho rằng cần kêu gọi tinh thần tự giác của các hộ kinh doanh và sự “khó tính” của người tiêu dùng.
Trừu tượng và chung chung hơn, ông Hoàng Văn Năm, quyền Cục trưởng Cục Thú y, cho rằng: Thông tư ban hành để hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật An toàn thực phẩm, do vậy việc thực hiện và giám sát thực hiện là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trống chưa đánh mà có vẻ như cơ quan chức năng sắp bỏ dùi khiến người dân chỉ còn cách tự nhủ: Dù thông tư nào đi chăng nữa cũng bay theo thời gian, đầu voi đuôi chuột, chỉ những người tiêu dùng xử lý với nhau, còn cấp cao đã xong nhiệm vụ.
Bình luận (0)