Hát karaoke với loa công suất lớn là thú vui phổ biến của nhiều gia đình mỗi dịp lễ, tết. Ngày nay, thú vui này càng trở nên phổ biến hơn khi chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng là có thể sở hữu một chiếc loa "kẹo kéo" để thỏa sức hát karaoke
"Không điên mới lạ!"
Đinh tai, nhức óc là những điều mà các "thính giả bất đắc dĩ" mô tả về những âm thanh hỗn tạp được phát đi từ loa công suất lớn.
Phản ánh về tình trạng trên, bạn đọc Lê Ngọc Thành (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) bức xúc: "Tôi sống ở chung cư Hiệp Bình Chánh, người dân xung quanh đây thường xuyên bị tra tấn vì tiếng hát karaoke. Đặc biệt là khi có đám ma, nhiều gia đình tổ chức hát hò inh ỏi, có hôm đến 3-4 giờ sáng".
Bạn đọc Trần Công Danh ngán ngẩm: "Thật sự bây giờ tôi rất sợ những người hàng xóm hát karaoke. Sống mà cứ bị tra tấn bằng âm thanh chói tai như vậy không điên và bức xúc mới là lạ đấy!".
Còn bạn đọc Võ Minh Tuấn lo ngại: "Nếu cứ để tình trạng người dân thoải mái hát karaoke ầm ĩ "tra tấn" lẫn nhau thì những vụ án mạng liên quan sẽ còn kinh hoàng hơn rất nhiều".
Có thể thấy, trong những năm gây đây ô nhiễm tiếng ồn nói chung và vấn nạn từ câu chuyện hát karaoke với loa công suất lớn ngày càng nhiều. Hậu quả gây tổn hại đến sức khỏe thính lực, tâm thần, cuộc sống sinh hoạt, học tập, làm việc của người dân do những hành vi này gây ra là hết sức rõ ràng.
Pháp luật đã có những quy định và chế tài hết sức cụ thể, rõ ràng cho việc kiểm soát và xử lý tiếng ồn ở khu dân cư. Thế nhưng, ở nhiều nơi, tình trạng hát karaoke cả ngày lẫn đem với âm thanh cực khủng như tra tấn người nghe vẫn diễn ra thường xuyên. Phải chăng là do biện pháp hành chính chưa đủ mạnh, hay khó khăn là bởi các đơn vị thực thi vẫn còn đang loay hoay tìm cách thực hiện?
Bạn đọc Trần Bình dẫn chứng: "Hầu như ở TP HCM, đâu đâu cũng đều xảy ra hát karaoke quá mức, làm nhiều người bức xúc.Thực tế đã có nhiều vụ án mạng xảy ra nhưng việc quản lý vẫn bị bỏ ngỏ. Như ở phường Linh Đông (quận Thủ Đức), nơi tôi sống, mặc dù có rất nhiều trường hợp gửi đơn phản ánh lên UBND và công an phường nhưng câu chuyện hát karaoke gây nhiều bức xúc cho người dân vẫn không được giải quyết".
Chỉ cần một thùng loa, một chiếc smartphone, một chiếc micro, ngồi đâu cũng có thể làm "ca sĩ" (ảnh: Sỹ Đông)
Bạn đọc tên Nguyễn Công (ngụ quận 9) kể lại câu chuyện của mình: "Do thường xuyên bị "tra tấn" bởi tiếng hát karaoke inh tai của hàng xóm, tôi làm đơn khiếu nại bày tỏ bức xúc lên UBND và công an phường. Sau đó, tôi nhận được lời giải thích từ chính quyền rằng do lý do khách quan đến từ nhiều phía cho nên việc xử lý là vô cùng khó khăn. Cụ thể, sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh, họ cần thời gian để xem xét, xác thực rồi mới tiến hành lập đoàn kiểm tra, xử lý. Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành thu thập chứng cứ, dựa trên kết quả đo độ ồn ở hiện trường và thời gian tổ chức hát karaoke để tiến hành các thủ tục xử phạt. Để đo được tiếng ồn, buộc phường phải trang bị máy đo. Thực tế là không phải phường nào cũng đủ điều kiện trang bị máy đo tiếng ồn. Hơn nữa, khi lực lượng chức năng xuống tới hiện trường thì hầu như tiếng ồn đã chấm dứt. Thế nên không thể xử phạt kịp thời được".
Cứ vi phạm là phạt
Không khỏi bức xúc, bạn đọc Nguyễn Công tiếp tục bày tỏ: "Tôi không thể nào thông cảm được với những khó khăn mà chính quyền chỉ ra. Trên thực tế, việc kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn từ hát karaoke trong khu dân cư là không khó. Điều này hoàn toàn nằm trong khả năng của chính quyền địa phương, các ngành các cấp có liên quan. Chứ không thể quanh co trốn tránh".
Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà chính quyền đưa ra, bạn đọc này đề xuất: "Để kịp thời xử lý, có thể lập đội phản ứng nhanh. Bất kể cá nhân, tổ chức nào tổ chức hát hò ầm ĩ, mở loa công suất lớn quá quy định ngay lập tức bị xử phạt tại chỗ. Về vấn đề máy đo độ ồn, theo tôi tìm hiểu, hiện giá của loại thiết bị này trên thị trường chỉ dao động từ 3-5 triệu đồng. Như vậy để trang bị thiết bị hỗ trợ này là không hề khó. Nhưng nếu vẫn không mua được, lực lượng chức năng có thể sử dụng điện thoại di động. Thông qua các ứng dụng miễn phí có thể sử dụng điện thoại thông minh để đo tiếng ồn chính xác. Theo tôi thấy, xử lý không khó, vấn đề chính là do chính quyền địa phương chưa thực sự quyết tâm giải quyết tình trạng này".
Quyết liệt không kém, bạn đọc Chính Việt đề xuất: "Nhu cầu giải trí hát hò là chính đáng nhưng nếu thiếu nhận thức, không có sự tôn trọng lẫn nhau ở nơi sinh sống thì chính quyền phải có biện pháp mạnh để xử lý. Có gì khó! Cứ vi phạm là phạt. Dân vi phạm thì phạt tiền, lấy tiền phạt xung công quỹ. Cán bộ công chức vi phạm, ngoài việc phạt nặng tài chính còn phải kỷ luật cảnh cáo, tái phạm nhiều lần thì cho thôi việc. Có như vậy mới chấm dứt triệt để nạn hát hò ì xèo cả ngày lẫn đêm".
Bình luận (0)