Báo Người Lao Động ngày 10-11 đăng bài viết "Vi phạm nồng độ cồn: Hết thời cán bộ, quan chức… được "thông cảm"!", tiếp đó ngày 11-11 là bài "Cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn: Quá nghiêm khắc?". Theo nội dung bài viết, sáng 10-11, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày tờ trình về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có nội dung nghiêm cấm hành vi "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Thông tin này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Nhiều người đã nêu ý kiến theo 2 hướng chính:
Hướng thứ nhất, bạn đọc cho rằng mọi việc liên quan đến xử lý vi phạm nông độ cồn thời gian qua đã làm tốt nên cần duy trì. Bạn đọc "Chanhcholach1" nhấn mạnh: "Mọi việc thời gian qua đang tốt thì cứ để yên như thế".
Bạn "Nguyễn Thị Tâm ĐN" phân tích: "Cấm như vậy mà còn bao nhiêu trường hợp sử dụng rượu bia gây tai nạn giao thông đến chết người, bao trường hợp cãi chày cãi cối, chống đối, hành hung CSGT.... Không nên bàn lùi, cần kiên quyết nói không với rượu bia khi tham gia giao thông, kể cả người đi bộ, để xã hội bớt đau thương vì tai nạn do rượu bia gây ra".
Bạn "Phuc Nguyen" kiên quyết: "Nên cấm tuyệt đối và nâng mức phạt, kể cả xử lý hình sự, nồng độ cồn khi tham gia giao thông, không lăn tăn gì cả... Bạn "Duong" thì bày tỏ lo ngại việc "bàn lui bàn tới" e rằng sẽ khó mang lại kết quả như mong muốn.
Lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh Tư liệu của Báo NLĐ
Hướng thứ hai, bạn đọc cho rằng việc xử lý nồng độ cồn cần cân nhắc trên nhiều khía cạnh, xử lý là đúng nhưng cũng không nên để ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động kinh doanh - sản xuất; khung xử lý cũng cần hợp lý.
Bạn "Pham Duy Hai" lưu ý: "Cấm nồng độ cồn tuyệt đối thì sang năm chỉ còn lại vài quán nhậu lưa thưa, rồi từ từ sẽ hết quán nhậu, lúc đó không còn ai bị nồng độ cồn nữa!".
Bạn "Phamdung" nêu ý kiến: "Theo tôi là không cấm tuyệt đối, để mọi người còn sinh hoạt và nộp thuế cho nhà nước, chứ giờ bao nhiêu nhà máy sản xuất bia có nguy cơ đóng cửa đến nơi rồi".
Trong khi đó, bạn "Phạm Trung Chính" phân tích: "Đừng lấy nhà máy bia, quán nhậu mà dung túng cho hành vi vi phạm an toàn giao thông. Pháp luật đâu cấm công dân uống rượu bia đâu. Chỉ cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông. Cấm uống đến "mất tầng số" để rồi vi phạm trật tự an toàn xã hội. Không thể đánh đổi lợi nhuận do rượu bia mang lại với an toàn xã hội, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân".
Bạn "Bùi Tá Vinh" cũng đưa ra lập luận: "Cấm tuyệt đối người điều khiển các loại phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt mức giới hạn trong cơ thể là đảm bảo tính mạng cho nhiều người, nhưng cần phải "định khung" lại. Không lẽ nào người lái ô tô chở gia đình đi dự đám cưới, đám giỗ chỉ uống có 1 lon bia cho vui thôi, chứ không say xỉn gì, rồi lái xe về là cũng vi phạm?".
Bạn "Ngộ Không" thì nói thẳng: "Nghiêm và chế tài mạnh mà ma men còn chưa sợ. Xìu xìu ển ển sẽ không ăn thua! Nói thật, không ai đã vào bàn nhậu mà nói tôi chỉ uống một ngụm, một ly nhấp môi cả. Biết bao cái chết thương tâm, biết bao người tàn phế do hậu quả uống rượu bua lái xe gây ra rồi".
Phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ khi tài xế vi phạm nồng độ cồn. Ảnh Tư liệu của Báo NLĐ
Bạn "Ngộ Không" cũng bày tỏ băn khoăn trong một tình huống khác: "Thế uống hôm trước, hôm sau nồng độ cồn vẫn còn chưa tan hết thì sao? Có người 1-2 ngày sau mới tan hết. Mà dắt xe đi bộ vẫn bị phạt là sao?". Bạn "Dân Hiểu" đưa ra phương án: "Nồng độ cồn từ 0,04 trở lên mới bị phạt là hợp lý, hết chối cãi này nọ"....
Bình luận (0)