Tọa đàm Phát triển điện ảnh TP HCM thuộc khuôn khổ Liên hoan Phim (LHP) quốc tế TP HCM lần 1 - 2024 (HIFF 2024) đã diễn ra ngày 7-4. Nhiều vấn đề thiết thực đã được đưa ra trong tọa đàm nhằm tạo sự đột phá cho điện ảnh TP HCM.
Nhiều trăn trở
Tọa đàm Phát triển điện ảnh TP HCM có tất cả 5 phiên thảo luận, gồm: Ngoại giao văn hóa qua điện ảnh - điện ảnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia - địa phương; đối thoại giữa nhà làm phim và các nhà làm chính sách; đối thoại giữa TP HCM với các nhà làm phim; liên kết các địa phương và hợp tác sản xuất quốc tế; thu hút sản xuất nội địa - phát hành toàn cầu.
Trong tham luận "Văn hóa và hội nhập quốc tế", GS-TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, cho rằng TP HCM là đô thị lớn nhất Việt Nam và nằm trong tốp những đô thị lớn của thế giới, có vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Vì vậy, nền văn hóa ở TP HCM là đa dạng, hội tụ các yếu tố của cả nước.
Trong bối cảnh hiện nay, GS-TS Trình Quang Phú tin rằng TP HCM sẽ có định hướng và lộ trình tối ưu cho việc hội nhập quốc tế để phát triển nền văn hóa nói chung, văn học và điện ảnh nói riêng. Điện ảnh có sứ mệnh tiên phong, có sứ mệnh quảng bá đất nước. TP HCM cũng là một kho đề tài to lớn, phong phú cho điện ảnh và văn học nghệ thuật.
"Tôi hy vọng TP HCM sẽ xem điện ảnh, xem văn hóa ngang với kinh tế và có sự đầu tư, có kế hoạch, đặc biệt là có cơ chế phù hợp để phát triển và hội nhập. Đây là việc để không chỉ chúng ta làm phim về thành phố mà thế giới cũng cùng chúng ta làm phim về thành phố. Tôi hy vọng các nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn sẽ dành sự yêu thương, rung động để làm nên những tác phẩm ngang tầm thời đại" - GS-TS Trình Quang Phú bày tỏ.
Tại tọa đàm, vấn đề về chính sách thuế và phí ưu đãi, khơi thông nguồn vốn đầu tư vào công nghiệp điện ảnh được nhiều đại biểu quan tâm. Một trong những chủ đề nóng là dự thảo Luật Thuế GTGT đang được lấy ý kiến đóng góp, với lĩnh vực điện ảnh từ 5% được đề xuất tăng lên 10%.
Phim Việt Nam mỗi năm sản xuất chưa vượt quá 40 tác phẩm. Nguồn vốn tái đầu tư cho điện ảnh rất quan trọng để có thể phát triển lên tầm cao mới, đạt được tầm mức như nhà nước kỳ vọng là một nền công nghiệp điện ảnh đậm đà bản sắc dân tộc. Will Vũ - nhà sản xuất, CEO Muse Films - mong mỏi nhà nước có chính sách hỗ trợ để làm phim tốt hơn; có các chính sách cụ thể để hỗ trợ vốn cho nhà sản xuất.
Nhà sản xuất - đạo diễn - diễn viên Mai Thu Huyền cho rằng TP HCM là trung tâm điện ảnh cả nước, nơi quy tụ đông đảo diễn viên, nhà làm phim. Theo cô, một trong những vấn đề khó khăn, khiến nhiều đoàn phim, nhất là làm phim lịch sử, cổ trang, rất vất vả là Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng không có phim trường lớn như các nước trong khu vực.
Để làm phim cổ trang "Kiều", Mai Thu Huyền cùng ê-kíp phải dựng toàn bộ cảnh rồi phá bỏ, rất tốn kém. Vì thế, cô mong TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có những phim trường xứng tầm.
Cần cơ chế, chính sách thiết thực
Trước sự trăn trở của nhà làm phim và đại diện rạp phim, nhiều diễn giả đã đưa ra những góp ý, tư vấn, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, kỳ vọng giúp điện ảnh TP HCM phát triển.
Bà Emmanuelle Pavillon - Grosser, Tổng Lãnh sự Pháp tại TP HCM, nhìn nhận: "TP HCM muốn phát triển điện ảnh thì cần thành lập một ủy ban điện ảnh. Đây là cơ quan duy nhất giải quyết tất cả vấn đề về điện ảnh. TP HCM cũng cần một quỹ tài chính dành riêng hỗ trợ đoàn phim. Ngoài ra, điện ảnh Việt cần tham gia các LHP quốc tế nhiều hơn để đưa những tác phẩm của mình đến với khán giả thế giới".
NSND Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, cho rằng để xây dựng một nền điện ảnh phát triển, không chỉ cần cơ chế chính sách, không chỉ cần sự đầu tư mà còn cần nhiều yếu tố khác, như nguồn nhân lực. Việc tiếp thu và tự thay đổi để có thể trở thành một nền công nghiệp điện ảnh thật sự phát triển là cả quá trình chuyển đổi. Chẳng hạn Busan - Hàn Quốc, họ có cả một quá trình chuyển đổi trong nhiều năm. Từ những lớp trẻ của nền điện ảnh, từ những dự án phim trẻ, đến nay LHP Busan đã nằm trong tốp 10 LHP nổi tiếng trên thế giới.
Theo NSND Thanh Thúy, vừa rồi, phim "Địa đạo" của Bùi Thạc Chuyên rất có ý nghĩa, mang giá trị thực tiễn để chúng ta có thể góp phần hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để triển khai một bộ phim với ý nghĩa lớn và cả một chiều dài lịch sử được tái hiện là điều không đơn giản. Làm sao để nhà làm phim có thể làm được điều đó trong bối cảnh xã hội hiện đại bây giờ, rất cần các cơ quan chức năng phối hợp hỗ trợ.
"Chúng tôi xem đây là trách nhiệm của mình trong việc tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính. Ngoài ra, cần sự hỗ trợ về tinh thần, động viên và nhiều điều khác. TP HCM luôn quan tâm, tạo điều kiện đối với những phim có kế hoạch thực hiện cụ thể, rõ ràng và có những đóng góp thiết thực trong sự phát triển của thành phố" - NSND Thanh Thúy cho biết.
Tham dự tọa đàm, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho rằng tại Việt Nam, TP HCM là một trong những nơi tốt nhất để phát triển điện ảnh. "Khi chúng ta đặt trọng tâm và muốn điện ảnh phát triển, chúng ta phải đầu tư nghiêm túc, tiếp cận và khai thác tiềm năng sẵn có, kêu gọi các nguồn lực bên ngoài, phối hợp với nguồn lực tại chỗ để phát triển nhanh nhất, bền vững nhất" - ông nhấn mạnh.
Trong các hạng mục triển khai dự án phát triển công nghiệp văn hóa TP HCM có nội dung về cơ sở vật chất. TP HCM sẽ có lộ trình kêu gọi đầu tư, trong đó có phim trường, trung tâm phức hợp. Dự kiến bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) sẽ trở thành một trong những trung tâm dịch vụ phức hợp cho lĩnh vực điện ảnh.
Bình luận (0)