Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đề xuất mở rộng một số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong đó bao gồm nhóm Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh). Theo quy định của pháp luật hiện hành, có 2 nhóm hộ kinh doanh, gồm hộ kinh doanh phải đăng ký hộ kinh doanh và hộ không phải đăng ký hộ kinh doanh. Trong đó, đặc thù của hộ không phải đăng ký kinh doanh là các hộ hoạt động nhỏ lẻ, không ổn định, có thu nhập thấp. Theo số liệu thống kê, cả nước có trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh.
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua, tại một số địa phương đã có các chủ hộ đăng ký tham gia và cơ quan BHXH đã thu BHXH bắt buộc đối với đối tượng này (gần 4.000 chủ hộ).
Tại tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ lý giải việc đề xuất tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh là để phù hợp thực tiễn nên trên và yêu cầu đặt ra từ Nghị quyết số 28-NQ/TW. Đó là mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác; Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.
Tuy nhiên, hiện còn nhiều ý kiến băn khăn với đề xuất này. Bà Nguyễn Thị Huê, chủ một cửa hàng tạp hóa (quận Gò Vấp, TP HCM), cho hay cửa hàng của bà nhỏ, chủ yếu phục vụ cho những người trong xóm nên thu nhập không ổn định. Những năm gần đây, do có thêm nhiều kênh mua sắm, số tiệm tạm hóa trong khu vực tăng và đời sống người dân khó khăn nên thu nhập giảm sút.
Từ thực tế đó, bà Huê cho rằng mức đóng BHXH hằng tháng đối với chủ hộ kinh doanh (gồm 3% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất) là quá cao.
Mặt khác, bản thân chủ hộ phải đóng 100% mức đóng, nhưng chỉ được hưởng 4 chế độ (không có chế độ tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp), khác với các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khác là chưa hợp lý. "Thei tôi, chỉ nên xem nhóm chủ hộ kinh doanh là nhóm tham gia BHXH tự nguyện. Nếu khiên cưỡng xếp vào nhóm đóng BHXH bắt buộc thì các chế độ hưởng phải tương xứng và có sự hỗ trợ thêm phần chi phí đóng từ nhà nước"- bà Huê nói.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cũng cho rằng nếu nhóm chủ hộ kinh doanh trở thành đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sẽ phát sinh nhiều vấn đề mà dự thảo chưa quy định rõ. Chẳng hạn, một gia đình mở cửa hàng kinh doanh, tài sản là của 2 vợ chồng, trong khi quy định chỉ chủ hộ kinh doanh được tham gia BHXH bắt buộc. Người tham gia BHXH sẽ được hưởng các quyền lợi ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, người còn lại thì không, trong lúc chi phí đóng BHXH có thể được trích ra từ thu nhập chung của 2 người, là chưa đảm bảo công bằng. Mặt khác, đây là đối tượng có thể tạo ra nguồn thu nhập ổn định, có tích lũy để tự đảm bảo vấn đề an sinh. Do đó, cần xem xét, đánh giá kỹ khi bổ sung thêm đối tượng này vào luật.
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, nhìn nhận chủ hộ kinh doanh vốn không có hợp đồng, không được trả lương. Hộ kinh doanh cá thể thường sử dụng rất ít lao động nên chủ hộ là người sử dụng lao động đồng thời cũng là người lao động. Thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh, họ có khoản thu nhập, tiền lương (đối với thành viên hộ gia đình được ủy quyền làm chủ hộ).
Dù không mang đặc thù của người lao động đơn thuần, song mong muốn tham gia BHXH cho mình, thậm chí cho cả người lao động trong hộ của chủ hộ kinh doanh là chính đáng và cần được ủng hộ. Ý chí mong muốn tham gia BHXH cũng đã được thể hiện trong thực tiễn là đã có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương tham gia BHXH bắt buộc khi chưa có quy định (hiện đang gặp vướng mắc kho giải quyết chế độ).
Dù vậy, theo ông Tín, không nên quy định cứng nhóm chủ hộ kinh doanh là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà nên tạo cơ chế mở, tức để nhóm chủ hộ được lựa chọn tham gia giữa 2 hình thức BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Điều này sẽ vừa đáp ứng được nhu cầu vừa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng người, từng đối tượng tham gia,
Bình luận (0)