Bộ Công Thương vừa có dự thảo báo cáo tóm tắt một số nội dung chính đã tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các Ủy ban khác đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Bộ Công Thương cho biết đã rà soát kỹ lưỡng và hiệu chỉnh, bổ sung tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) nhiều khái niệm về giá điện để làm rõ nội hàm giá điện, giá điện nhiều thành phần, giá của các dịch vụ phát điện, điều hành dịch vụ thị trường điện lực tại dự thảo Luật để phù hợp với Luật Giá năm 2023.
Bộ Công Thương bổ sung tại Điều 5 về chính sách giá điện và các điều tại mục 2, mục 3 Chương V của Dự thảo Luật để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết của Bộ Chính trị tiến tới xóa bỏ bù chéo, công khai, minh bạch các loại giá.
Đặc biệt, về ý kiến các quy định về thị trường điện cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng điện, trong đó về chính sách phát triển thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam.
Quan điểm chung của Đảng, Nhà nước đang hướng đến việc phát triển thị trường điện cạnh tranh, do đó vấn đề dừng thị trường điện cạnh tranh phải hết sức cân nhắc, thận trọng và phải quy định chặt chẽ.
Bởi, Bộ Công Thương ngày 1-10-2017 đã có quyết định tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh, cùng lúc huy động các nhà máy điện khí tham gia đảm bảo không bị thua lỗ.
Dẫn đến nhiều ý kiến băn khoăn liệu đây có phải là quyết định thiếu tính thị trường và có lợi cho các nhà máy điện khí khi được ưu tiên giá không. Vì vậy, các cơ quan liên quan cho rằng chỗ này Bộ Công Thương cần rất lưu tâm trong thiết kế chính sách và các quy định trong điều luật.
Trước phản ánh trên, Bộ Công Thương cho biết đã bổ sung quy định về việc tạm ngừng, khôi phục hoạt động của thị trường điện giao ngay trong thị trường điện cạnh tranh các cấp độ tại Điều 62 dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Theo đó, các trường hợp được phép tạm ngừng hoạt động của thị trường điện giao ngay đều là các trường hợp bất khả kháng như: Thảm họa thiên tai, chiến tranh, mất cân bằng cung - cầu điện năng làm ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch bình thường của thị trường điện giao ngay.
Khi các nguyên nhân dẫn đến việc tạm ngừng hoạt động của thị trường điện giao ngay được khắc phục thì thị trường điện giao ngay sẽ được khôi phục hoạt động lại.
Ngoài ra, tại nội dung này cũng đã quy định thẩm quyền của Bộ Công Thương trong việc quyết định đến tình huống tạm ngừng và khôi phục lại hoạt động của thị trường điện giao ngay.
Một nội dung đã tiếp thu là về ý kiến cần quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ định giá đối với giá điện tại Luật Điện lực và bảo đảm vai trò, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý nhà nước về giá.
Theo đó, Bộ Công Thương thiết kế lại Điều 77 của dự thảo Luật theo hướng Thủ tướng Chính phủ quyết định khung giá bán buôn điện, khung giá bán lẻ điện, khung giá phát điện, giá các dịch vụ về điện; Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giá điện và giá các dịch vụ về điện; hướng dẫn các đơn vị điện lực xây dựng và ban hành các giá điện theo thẩm quyền.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!