Nhận được sự quan tâm của dư luận cũng phải, bởi phần lớn trong tổng số hơn 45 triệu giấy phép lái mô tô hiện hành đều nghĩ ngay đến việc mình liên quan đến đề xuất quy định trên. Để hình dung vấn đề này, chúng ta có thể thấy rất nhiều người đang đi xe máy 150 cc khi đổi lại bằng thì bắt buộc phải thi lấy bằng A2 hoặc sẽ không được điều khiển xe của mình nữa. Viễn cảnh này rất phiền phức và tốn kém.
Thực tế, sử dụng xe dung tích càng lớn thì yêu cầu về kỹ năng càng cao. Quy định về bằng lái A1 sử dụng xe dưới 175 cc đã có từ vài chục năm qua. Những người đang sử dụng bằng này đã được học và sát hạch đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Nghiễm nhiên họ đủ quyền sử dụng các loại xe tương ứng qua bao nhiêu năm nay. Bỗng dưng nay thay đổi thì việc bị ảnh hưởng là khó tránh khỏi.
Một số quốc gia lân cận cũng quy định bằng lái đến 125 cc. Nhưng đi kèm với quy định trên là các bài sát hạch cấp bằng có trình độ tương ứng và luôn được quy định ngay từ đầu. Không ai có thể thắc mắc hoặc bị ảnh hưởng khi thay đổi các quy định của pháp luật.
Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia có tỉ lệ người đi xe máy cao nhất thế giới. Việc lo ngại về tai nạn giao thông hay điều chỉnh luật để bảo đảm an toàn cho người dân là điều dễ hiểu. Tuy vậy, những sự thay đổi cần có căn cứ khoa học và đúc kết thực tiễn chính xác. Chúng ta đã có những quy định nghiêm khắc nhưng cũng có quá nhiều quy định lỏng lẻo. Ví dụ như khi cấp giấy phép lái xe máy ở những hạng đầu thường không có thời hạn. Có nghĩa là thi một lần rồi cứ sử dụng cho đến khi nào bị tước bằng lái thì thôi. Về thực tiễn thì kỹ năng lái xe không thể duy trì lâu dài, mà sẽ kém dần theo tuổi tác, sức khỏe, khả năng vận động, phản xạ… Trong khi đó, như ở Thái Lan, Nhật Bản hay Hàn Quốc…, bằng lái cấp lần đầu chỉ có thời hạn từ 2-5 năm. Trong thời hạn này nếu không vi phạm giao thông sẽ được gia hạn. Nếu vi phạm giao thông quá số lần quy định sẽ bị tước bằng. Muốn có bằng lái mới sẽ học và thi lại từ đầu.
Thực ra trong các lần lấy ý kiến xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ trước đây, đã có nhiều quy định được dư luận đồng tình. Điển hình như đề xuất tính điểm (12 điểm) trên bằng lái. Khi vi phạm sẽ bị trừ dần. Nếu trừ hết điểm sẽ bị thu bằng lái và phải tham gia kiểm tra về luật giao thông.
Pháp luật luôn được hoàn thiện qua kinh nghiệm vận hành từ thực tế. Quá trình hoàn thiện này phải được xây dựng để ít ảnh hưởng đến người dân nhất, bởi đối tượng phục vụ của pháp luật chính là người dân.
Bình luận (0)