Cộng đồng người hâm mộ của Lady Gaga khiếu nại ca sĩ Văn Mai Hương vì đã sử dụng các bài hát trong phim "A star is born" phát hành bản cover tiếng Việt, đi biểu diễn và phát hành lại trên các nền tảng YouTube/ Facebook/ TikTok.
Xây dựng ý thức tôn trọng bản quyền
Ca sĩ Văn Mai Hương đã xin lỗi và khẳng định sử dụng ca khúc đúng luật. Nhưng người hâm mộ của Lady Gaga không chấp nhận lời xin lỗi mà tiếp tục khiếu nại lên UMG (Universal Music Group). Mấu chốt mâu thuẫn ở chỗ người hâm mộ của Lady Gaga cho rằng Văn Mai Hương đã quá "lạm dụng" bản cover này, đi diễn khắp nơi và kiếm tiền về cho bản thân, thậm chí đến mức nhiều người còn tưởng đây là ca khúc "chính chủ" của Văn Mai Hương. Người hâm mộ của Lady Gaga bức xúc vì Văn Mai Hương đem "Always remember us this way" biểu diễn khắp nơi trong khi chính chủ Lady Gaga lại chưa mang ca khúc của mình đi hát.
Văn Mai Hương khẳng định ê-kíp của cô đã xin phép đơn vị chủ quản của ca khúc trước khi cover. Cô cũng khẳng định luôn hâm mộ Lady Gaga và cho rằng đã sai sót khi không để tên Lady Gaga ở phần credit 1 clip cover. Lỗi này do ê-kíp phụ trách fanpage và đã được khắc phục ngay sau đó.
Dù mọi chuyện đã tạm lắng nhưng hiện tượng "cầm nhầm" như Văn Mai Hương không hiếm. Điều này bắt nguồn từ xu hướng cover nở rộ ở showbiz Việt khi các ca khúc nhạc Hoa, Âu Mỹ, Pháp… phiên bản lời Việt tràn ngập vì dễ lấy lòng khán giả. Nếu trước đây, các sản phẩm "cầm nhầm" ngay lập tức bị xóa khỏi YouTube thì nay việc này khó hơn do hát live.
Nhạc sĩ Huy Tuấn khẳng định: "Nếu chưa giải quyết được vấn đề bản quyền thì nhạc Việt vẫn mãi trong vòng luẩn quẩn. Cho đến nay, về cơ bản, lỗi của các đơn vị sử dụng vi phạm bản quyền âm nhạc mắc phải vẫn quanh quẩn về quyền tác giả và quyền liên quan".

Ca sĩ Văn Mai Hương bị phản ứng từ cộng đồng người hâm mộ của Lady Gaga tại Việt Nam, vì liên quan chuyện tác quyền
Chuyện bản quyền âm nhạc thời công nghệ
Tại lễ tổng kết hoạt động năm 2024, diễn ra giữa tháng 1 vừa qua, do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chi nhánh phía Nam (VCPMC) tổ chức, NSƯT Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCPMC, chia sẻ: Nhiều sô diễn/ sân khấu biểu diễn vẫn chưa trả tiền tác quyền trong một thời gian dài. Trong đó, có thể kể đến như sô diễn "Lululola" tại Đà Lạt (Lâm Đồng), các sô diễn của "Mây Lang Thang" ở các nơi như Lâm Đồng, Nghệ An, Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM. Gần đây, một số chương trình âm nhạc Hàn Quốc không trả tiền bản quyền và VCPMC đã tiến hành khởi kiện ra tòa, như chương trình "2024 Baekhyun Asia Tour (Lonsdaleite) in Ho Chi Minh" (diễn ra vào ngày 28-9-2024) do Công ty TNHH Âm nhạc IME tổ chức.
"VCPMC đã thông tin và làm việc với tổ chức bản quyền KOMCA của Hàn Quốc để phối hợp xử lý ngăn chặn hành vi xâm phạm, yêu cầu đơn vị tổ chức phải trả tiền bản quyền để được phép sử dụng, đồng thời báo cáo tình hình vi phạm của các đơn vị này đến cơ quan nhà nước, đề nghị kiểm tra, xử lý vi phạm" - NSƯT Đinh Trung Cẩn cho biết.
Tiếng nói người trong cuộc
Thống kê của VCPMC năm 2024 cho thấy trung tâm đã thu được trên 393 tỉ đồng tiền bản quyền, trong đó, 78% số tiền này đến từ nền tảng kỹ thuật số. Ông Đinh Trung Cẩn cho biết thời gian qua, số vụ rắc rối mà VCPMC phải giải quyết cũng tỉ lệ thuận với doanh thu mang về.
Nhiều nhạc sĩ chia sẻ bản thân từng rơi vào những tình huống rắc rối khi tác phẩm - đứa con tinh thần của mình bị xâm phạm quyền lợi và không được tôn trọng. Như trường hợp của nhạc sĩ Bảo Chấn, khi nhận thấy việc ký một bản hợp đồng ủy quyền cho 1 đơn vị tư nhân là không đúng, ông đã nhanh chóng đề nghị công ty tư nhân chấm dứt việc ủy quyền này. Tuy nhiên, vụ việc không được giải quyết thỏa đáng mà phải xử lý tại tòa. Bản án sơ thẩm vào năm 2023 của tòa án đã tuyên chấp nhận yêu cầu của nhạc sĩ Bảo Chấn nhưng đơn vị tư nhân tiếp tục kháng cáo khiến cho vụ việc kéo dài.
Các chuyên gia về bản quyền khuyến nghị để bảo đảm thực thi quyền tác giả, ngoài hệ thống pháp luật thì những người sáng tạo - chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan - cũng cần hiểu rõ quyền lợi hợp pháp của mình, cẩn trọng lựa chọn những đơn vị đủ năng lực để bảo vệ tài sản của chính mình.
Để nâng cao hiệu lực bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc ở Việt Nam, ông Đinh Trung Cẩn nhấn mạnh cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành, từ đó nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Đặc biệt là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo các nhà chuyên môn, muốn bước vào vòng quay phát triển của âm nhạc thế giới, không chỉ sản phẩm chất lượng mà thái độ tôn trọng bản quyền cũng là tiêu chuẩn để đánh giá. Bản quyền âm nhạc là hệ sinh thái cần được phát triển lành mạnh để kích cầu sản phẩm.
Bình luận (0)