Phía ca sĩ Đan Trường từng xin phép sử dụng ca khúc này qua tin nhắn và được tác giả cho phép cover chia sẻ YouTube kèm theo một số điều kiện nhưng Đan Trường đã tự ý mang đi biểu diễn. Ca sĩ Lệ Quyên cũng bị phản ứng khi biểu diễn ca khúc "Ai chung tình được mãi" (tác giả Đông Thiên Đức) nhưng không xin phép tại Nha Trang, Đà Lạt. Ca sĩ Tùng Dương, cũng hát bài này, trong đêm nhạc do Đông Đô Show tổ chức, không xin phép tác giả - chủ sở hữu.
Trước đó, nhạc sĩ Kai Đinh cũng bức xúc với Nam Em vì tự ý hát "Mình yêu đến đây thôi" vẫn còn trong thời hạn bán độc quyền cho ca sĩ Tóc Tiên. Nam Em thậm chí còn ghi hình lại, chia sẻ video trên YouTube, sau đó mới gửi email xin phép tác giả. Tác giả Trần Duy Khang, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền cũng lên tiếng, phản ánh Nam Em tự ý sử dụng ca khúc của họ.
Cuối tháng 5-2022, nghệ sĩ Trinh Hương - đại diện gia đình nhạc sĩ Phú Quang - đã lên tiếng khi Đông Đô Show sử dụng các nhạc phẩm của nhạc sĩ quá cố nhưng không được sự đồng ý trong đêm nhạc "Hà Nội phố 2". Đơn vị này giải thích không mang các bài hát của nhạc sĩ Phú Quang vào chương trình nhưng khán giả yêu cầu nên khó từ chối. Sau đó, Đông Đô Show đã thanh toán tiền bản quyền cho gia đình nhạc sĩ nhưng bị trả lại. Nhiều ca sĩ cũng tự ý sử dụng ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang để hát ở phòng trà nhưng không hề xin phép gia đình suốt thời gian qua.
Bước vào kỷ nguyên số, vấn đề vi phạm bản quyền ngày càng trở nên phổ biến và xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. Sự thuận tiện trong môi trường số giúp tác giả dễ dàng đưa "đứa con tinh thần" của mình đến với công chúng, người dùng internet cũng dễ dàng tiếp cận tác phẩm. Nhưng điều này cũng dẫn đến tình trạng sao chép tác phẩm, cắt, ghép tác phẩm trái phép tạo nhiều bản sao.
Ca sĩ Lệ Quyên cũng từng vi phạm bản quyền (Ảnh: THIÊN ÂN)
Trong lĩnh vực âm nhạc, dù vấn đề bản quyền được đánh giá có nhiều cải thiện đáng kể song không ít nền tảng số vẫn vô tư chia sẻ âm nhạc miễn phí. Nguy hiểm hơn, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật, sử dụng nhiều chiêu trò, cố tình đánh tráo khái niệm và lách luật để thực hiện hành vi xâm phạm bản quyền nhằm thu lợi bất chính.
Hiện nay, ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã áp dụng một số biện pháp như việc tìm sự hỗ trợ từ chính các giải pháp công nghệ để ngăn chặn những hành vi tiếp cận tác phẩm, khai thác bất hợp pháp quyền sở hữu. Một hướng đi mới là ứng dụng công nghệ blockchain để ngăn chặn ngay từ đầu các vi phạm về bản quyền. Công nghệ blockchain có tác dụng lưu giữ các dữ liệu liên quan như thời gian, địa điểm và nhận dạng của người sáng tạo nội dung. Dữ liệu trên nền tảng blockchain được bảo vệ bằng mật mã nên sẽ giúp tác giả bảo vệ sản phẩm của mình không bị vi phạm hoặc ăn cắp bản quyền.
Sử dụng các giải pháp công nghệ là phù hợp thực tế khách quan khi các giải pháp khác không mang lại nhiều hiệu quả. Nhưng cuối cùng, ý thức của người sử dụng mới là điều quan trọng nhất.
Chưa biết đến khi nào ý thức tôn trọng bản quyền mới được tuân thủ tuyệt đối nhưng việc lên tiếng hay thậm chí tẩy chay những trường hợp vi phạm bản quyền là cần thiết.
Bình luận (0)