Thành công bước đầu này sẽ là tiền đề quan trọng để ngành nông nghiệp địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Những ngày đầu năm 2025, không chỉ mùa màng bội thu, 11 hộ đồng bào Chăm tại xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận còn có thêm niềm vui khi được nhận tiền bán tín chỉ carbon từ mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải khí nhà kính. Đây là mô hình tiên phong do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai.
![Cánh đồng lúa giảm phát thải khí nhà kính của nông dân xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cung cấp) Cánh đồng lúa giảm phát thải khí nhà kính của nông dân xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cung cấp)](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/9/13-l02-1739106498185712175508.jpg)
Cánh đồng lúa giảm phát thải khí nhà kính của nông dân xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cung cấp)
Mô hình sản xuất tiên tiến
Ông Ngô Thái Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận, cho biết đây là đợt trao giấy chứng nhận báo cáo giảm phát thải khí nhà kính đầu tiên ở địa phương.
Theo ông Sơn, việc trao giấy chứng nhận lần đầu này dựa vào kết quả vụ sản xuất lúa thu đông 2024 với tổng diện tích 3,35 ha, giảm phát thải được 3,62 tấn carbon/ha - tổng cộng giảm 12,11 tấn. Tổng cộng 11 hộ dân canh tác lúa thông minh ở xã Phan Hòa được nhận giấy chứng nhận lần này, kèm theo số tiền khoảng 6 triệu đồng.
Đây là diện tích đầu tiên tại tỉnh Bình Thuận áp dụng một số giống lúa mới chất lượng cao, kết hợp thực hiện mô hình sản xuất thông minh giảm phát thải khí nhà kính. Mô hình này triển khai thí điểm trên diện tích 3,4 ha với 11 hộ dân tộc Chăm ở xã Phan Hòa thực hiện, đạt được những kết quả ấn tượng.
Ông Sơn thông tin mô hình tiên tiến này được xây dựng dựa theo nguyên tắc "1 phải, 6 giảm", kết hợp nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật. Cụ thể, "1 phải" là phải sử dụng giống lúa đã được cấp chứng nhận hoặc giống nguyên chủng theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương. "6 giảm" gồm: giảm lượng hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, thất thoát sau thu hoạch và phát thải khí nhà kính.
"Tham gia mô hình này, nông dân được hỗ trợ toàn diện, từ giống lúa chất lượng cao, chi phí đầu tư đến hướng dẫn kỹ thuật tận tình. Nhờ đó, năng suất lúa đã tăng hơn 4 tạ/ha (khoảng 5%) so với phương pháp canh tác truyền thống; tổng chi phí sản xuất giảm hơn 1,5 triệu đồng/ha (5%) và lợi nhuận tăng 20%, tương đương 3,7 triệu đồng/ha" - ông Sơn phân tích.
Chị Văn Thị Đề Oanh (ngụ xã Phan Hòa) rạng rỡ nhớ lại ngày đầu tiên tham gia mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải khí nhà kính vào tháng 9-2024. "Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến thiết bị bay không người lái (drone) sạ lúa đều tăm tắp, điều mà trước đây chưa từng thấy" - chị kể.
![Nông dân trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính tại xã Phan Hòa trao đổi với chuyên gia. (Ảnh do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cung cấp) Nông dân trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính tại xã Phan Hòa trao đổi với chuyên gia. (Ảnh do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cung cấp)](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/9/13-l01-17391064981801861013621.jpg)
Nông dân trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính tại xã Phan Hòa trao đổi với chuyên gia. (Ảnh do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cung cấp)
Với mô hình này, mọi công đoạn từ bón phân đến phun thuốc đều được cơ giới hóa hoàn toàn, giúp nông dân không phải lội ruộng vất vả như trước. Giờ đây, mỗi ngày chị Oanh chỉ cần ra đồng 2 lần để quan sát mực nước, rồi báo cho kỹ sư để họ điều chỉnh lượng nước và phân bón sao cho phù hợp.
Chị Oanh nhớ lại: "Lúc đầu, khi cán bộ nông nghiệp đến triển khai mô hình, nông dân chúng tôi còn ngờ ngợ. Bởi lẽ, vùng trồng lúa này trước giờ chưa được chỉ dẫn những kỹ thuật hoàn toàn mới như vậy. Đến nay, khi lúa đã thu hoạch, được hưởng thêm tiền từ việc sản xuất sạch, chúng tôi ai cũng vui mừng".
Hướng đi đầy triển vọng
Mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải khí nhà kính không chỉ mang lại năng suất cao mà còn giúp nông dân tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức.
Điểm đặc biệt của mô hình này là toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây lúa đều được giám sát chặt chẽ lượng phát thải CO2e (carbon dioxide tương đương) thông qua vệ tinh. Công ty Spiro Carbon từ Mỹ đã sử dụng công nghệ tiên tiến để đo đạc và quan trắc theo tiêu chuẩn UNFCCC của Liên hợp quốc. Kết quả cho thấy mô hình này đã giảm phát thải ấn tượng 12,11 tấn CO2e, tương đương 3,6 tấn CO2e/ha.
Với những thành quả đáng khích lệ này, Công ty CP Net Zero Carbon đã trao 20 USD/tấn CO2e cho các hộ dân tham gia mô hình. Điều đó cho thấy việc giảm phát thải không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân. Những con số "biết nói" nêu trên không chỉ khẳng định hiệu quả vượt trội của mô hình mà còn mở ra hướng đi đầy triển vọng cho ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận, hướng tới sản xuất xanh và bền vững.
"Thành công bước đầu này sẽ là tiền đề quan trọng để ngành nông nghiệp địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Chúng tôi kỳ vọng mô hình này sẽ góp phần thay đổi tư duy và cách làm nông nghiệp truyền thống, hướng đến việc áp dụng các quy trình chuẩn và tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu là tạo ra những nông sản chất lượng cao, không gây hại đến hệ sinh thái và đa tầng sinh học" - ông Ngô Thái Sơn tin tưởng.
Với diện tích canh tác hằng năm trên 100.000 ha, năng suất bình quân 5,5 - 5,8 tấn/ha, Bình Thuận là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn trên cả nước. Việc nhân rộng mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải khí nhà kính trên diện tích rộng lớn sẽ mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội và môi trường. Điều này còn góp phần vào mục tiêu chung của cả nước về giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hướng đến sản xuất xanh, bền vững
Ông Ngô Thái Sơn cho biết mô hình trình diễn thực hiện tại xã Phan Hòa sử dụng các giống lúa Hương Châu 6, NVP 79 và giống đối chứng Đài Thơm 8. Nếu Hương Châu 6, NVP 79 sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất, chất lượng cao, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận sẽ khuyến khích người dân bổ sung 2 loại giống này vào danh mục sản xuất.
Chương trình trên nằm trong kế hoạch từ cuối năm 2023 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao trên địa bàn đến năm 2025. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, mục tiêu của kế hoạch này là tăng năng suất, tiết kiệm chi phí sản xuất; thực hiện chủ trương đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa đồng bộ, sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, canh tác lúa thông minh, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến sản xuất xanh và bền vững.
Bình luận (0)