Những ngày gần đây, người dân Hà Nội, TP HCM ồ ạt đi đổi giấy phép lái xe từ lúc rạng sáng trong tâm trạng lo lắng. Trong khi đó, một số người có bằng lái sắp hết hạn nhưng đang bị tạm giữ cũng đầy những băn khoăn.

Người dân TP HCM đi đổi giấy phép lái xe.
Bạn đọc thắc mắc đến Báo Người Lao Động nếu trường hợp bằng lái bị cảnh sát giao thông giữ do vi phạm giao thông khi được trả lại mà hết hạn thì giải quyết ra sao, có đổi được không?
Trao đổi với Báo Người Lao Động, đại diện một số đội thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP HCM cho biết trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề nhưng thời hạn sử dụng còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó ít hơn thời hạn bị tước thì người có thẩm quyền vẫn ra quyết định xử phạt có áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định đối với hành vi vi phạm.
Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được làm thủ tục cấp mới, đổi, cấp lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 34 Thông tư 35/2024 của Bộ GTVT, người có giấy phép lái xe thuộc các hạng các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE quá thời hạn sử dụng dưới 1 năm, phải dự sát hạch lý thuyết. Quá hạn từ 1 năm trở lên kể từ ngày hết hạn phải sát hạch cả lý thuyết và thực hành.
Giấy phép lái xe thuộc trường hợp này phải có tên trong hồ sơ của Sở Giao thông Vận tải, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý.
Như vậy, quá hạn dù chỉ 1 ngày khi muốn đổi sang giấy phép lái xe mới sẽ phải sát hạch lại.
Bình luận (0)