Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP E-paper

Báo chí và mạng xã hội: Cộng sinh hay cạnh tranh?

LÊ TỈNH - NGỌC ÁNH

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và nền tảng mạng xã hội đã thúc đẩy báo chí truyền thống phải thay đổi để thích nghi

Báo chí truyền thống vốn nổi tiếng với độ tin cậy và quy trình biên tập nghiêm ngặt. Tuy nhiên, khi mạng xã hội (MXH) trở thành kênh tiêu thụ thông tin chính của hàng triệu người dùng, các tòa soạn buộc phải thay đổi cách tiếp cận.

Giữ bản sắc, nâng chất nội dung

Không còn giới hạn trong báo in, truyền hình hay báo điện tử, ngày nay, các cơ quan báo chí đã chủ động hiện diện trên các nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok,... nhằm tiếp cận người đọc - những người ngày càng có xu hướng cập nhật thông tin qua MXH thay vì truy cập trực tiếp vào trang báo.

Báo Người Lao Động là một ví dụ tiêu biểu cho xu hướng này. Không chỉ đầu tư phát triển nội dung số, Báo còn xây dựng hệ thống MXH bài bản và hiệu quả, với những thành tích ấn tượng: Đạt Nút Vàng YouTube với hơn 1 triệu lượt đăng ký, kênh TikTok thu hút 1,2 triệu lượt theo dõi... Tính đến thời điểm hiện tại, Báo Người Lao Động đã xây dựng được hệ sinh thái MXH với hơn 20 kênh, duy trì lượng tương tác hằng ngày ở mức rất cao.

Báo chí và mạng xã hội: Cộng sinh hay cạnh tranh? - Ảnh 1.

Báo chí hiện đối mặt với những thách thức chưa từng có từ mạng xã hội .Đồ họa: LÊ TỈNH

Dữ liệu thực tế cho thấy MXH đang có ảnh hưởng sâu rộng đến hành vi tiếp nhận thông tin của công chúng. Một báo cáo của VinaResearch cho biết người dùng Việt Nam trung bình dành khoảng 2,12 giờ mỗi ngày để truy cập MXH, trong đó thời gian dành cho Facebook là nhiều nhất, khoảng 3,55 giờ mỗi ngày.

Phần lớn người dùng truy cập MXH để cập nhật tin tức, với tỉ lệ lên tới 71,7%. Bổ sung thêm vào bức tranh đó, Marketing AI cho rằng thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z và Gen Y, có xu hướng sử dụng TikTok và Instagram để cập nhật tin tức và giải trí.

Theo TS Hồ Điệp - Giám đốc Công ty TNHH Mạng Giáo dục (Edunet), giảng viên Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TP HCM - báo chí và MXH thay vì nhìn nhận đang cạnh tranh toàn diện, thì nên xem là một mối quan hệ "cộng sinh". Báo chí đang chủ động tận dụng các nền tảng MXH để mở rộng phạm vi ảnh hưởng và tiếp cận công chúng nhanh hơn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nhiều phóng viên, nhà báo cũng khai thác MXH như một công cụ tác nghiệp hữu ích, từ tìm kiếm đề tài, lan tỏa thông tin, cho đến tương tác trực tiếp với độc giả.

Tuy vậy, TS Điệp nhìn nhận không thể vì sự phổ biến của MXH mà cho rằng báo chí chính thống đang bị "bỏ lại phía sau". Trái lại, báo chí vẫn sở hữu những giá trị cốt lõi mà MXH không thể thay thế: Tính xác thực, độ tin cậy, sự khách quan, trách nhiệm thông tin và đạo đức nghề nghiệp. Chính những điều đó làm nên uy tín và vị thế của báo chí trong lòng công chúng.

"Để giữ vững vai trò dẫn dắt thông tin trong thời đại số, báo chí cần phải làm khác, bằng cách giữ vững bản sắc, nâng cao chất lượng nội dung, đồng thời khai thác MXH như một kênh phân phối thông tin thông minh" - ông Điệp chia sẻ.

Ở góc độ khác, ThS Lê Anh Tú, giảng viên Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM (UEF), cho rằng MXH đang không cạnh tranh lành mạnh với báo chí, khi họ lấy thông tin từ báo chí để hút quảng cáo nhưng lại không trả tiền bản quyền cho cơ quan báo chí. Ở châu Âu, đã có một số cơ quan thông tấn đạt được thỏa thuận chi trả tiền bản quyền cho các cơ quan báo chí.

"Tại Việt Nam, tôi cho rằng các cơ quan báo chí cũng nên làm việc và có ký kết chính thức với Google, Facebook, TikTok,… trong vấn đề này để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, đôi bên cùng có lợi" - ông Tú bày tỏ.

Vai trò chống tin giả

Trong bối cảnh tin giả lan rộng trên MXH như một "đại dịch thứ hai", báo chí chính thống đang giữ vai trò then chốt trong việc kiểm chứng, phản bác và cung cấp thông tin chính xác cho công chúng.

Tuy nhiên, báo chí hiện cũng đối mặt với những thách thức chưa từng có, sức ép từ MXH, công nghệ giả mạo ngày càng tinh vi, và áp lực đưa tin nhanh. Một trong những mối đe dọa lớn nhất là sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ deepfake, tài khoản ảo và các thuật toán tối ưu hóa tương tác đã khiến việc tạo ra và lan truyền nội dung sai lệch trở nên dễ dàng và khó kiểm soát hơn bao giờ hết.

Báo cáo mới nhất của Hội đồng An ninh Mạng Thế giới (GCS) cho thấy hơn 60% nội dung lan truyền trên internet hiện nay có yếu tố sai lệch, làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng thông tin ở quy mô toàn cầu. Một nội dung sai cũng đủ tạo ra tâm lý hoang mang, thao túng thị trường và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội.

Tuy vậy, công chúng vẫn dành niềm tin đặc biệt cho báo chí chính thống, như một điểm tựa giữa "biển tin giả" hỗn loạn. Trong đại dịch COVID-19 hay gần đây là cơn bão Yagi, khi thông tin trên MXH nhiễu loạn, người dân dần tìm đến các tờ báo chính thống như Báo Người Lao Động để tìm kiếm thông tin xác thực, rõ ràng và đáng tin cậy.

"Nhờ báo truy vết, tôi mới biết những câu chuyện cảm động lan truyền trên mạng hóa ra là giả, như trường hợp bé trai khóc tìm mẹ sau lũ ở Hà Giang năm 2024" - bạn đọc Ánh Minh (ngụ TP HCM) chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động.

Ông Phan Phước Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông và Quảng cáo thế hệ Z (GenZ), khẳng định báo chí hiện là tuyến đầu chống tin giả. Tuy nhiên, để làm tốt vai trò này, nhà báo cần giữ vững nguyên tắc kiểm chứng, không vì nhanh mà đánh đổi độ chính xác. Đồng thời, người đọc cũng cần tỉnh táo, có tư duy phản biện.

"Nhiều cơ quan báo chí hiện đã áp dụng công nghệ, đặc biệt là AI, để kiểm tra độ xác thực trước khi đăng tải. Tuy nhiên, hiệu quả chỉ đạt được khi có sự phối hợp hai chiều: báo chí làm đúng vai trò, công chúng chủ động tiếp nhận thông tin một cách chọn lọc" - ông Quốc chia sẻ.

Ở góc nhìn khác, ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP BMZ, cho rằng cần sự phối hợp giữa báo chí và các cơ quan chức năng để xác định rõ nguồn tin chính thống. Hiện nay, nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa báo điện tử và trang tin, trong khi một số fanpage "báo chí hóa" với tiêu đề giật gân, thiếu kiểm chứng, gây hiểu lầm cho công chúng.

Ông đề xuất cần có chế tài mạnh, thậm chí đình chỉ những trang tin sai sự thật. Theo ông Bình, báo chí và mạng xã hội không nên cạnh tranh mà cần cộng sinh. Người dân có thể cung cấp thông tin ban đầu, đặc biệt trong tình huống khẩn cấp để báo chí tiếp nhận, xác minh và cung cấp thông tin rõ ràng, chính xác hơn.

"Nếu MXH là mỏ tin tức chưa phân loại thì báo chí là kỹ sư phân kim, có nhiệm vụ tách "vàng" ra khỏi hỗn độn để trao đến tay độc giả" - ông ví von. 

Cần có chế tài để tạo công bằng

Theo chuyên gia truyền thông, nhiều kênh MXH đang khai thác triệt để tin nóng từ báo chí để câu like, share, thu hút tương tác mà không tốn chi phí. Thậm chí, nhiều fanpage còn cắt logo, xóa nguồn gốc bài viết và chèn nhận diện riêng, vi phạm quyền sở hữu nội dung.

Trong khi đó, đội ngũ của cơ quan báo chí phải làm việc vất vả: xác minh, kiểm chứng, xin phép nhân vật và tác giả hình ảnh/video. Thực trạng này khiến báo chí rơi vào thế cạnh tranh không lành mạnh, lượng truy cập sụt giảm nghiêm trọng, nguồn thu quảng cáo ngày càng teo tóp. Giới chuyên gia đề xuất cần có quy định và chế tài cụ thể để bảo vệ nội dung báo chí và tạo môi trường thông tin công bằng.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo