Dự thảo đề xuất người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn.
Ngay sau khi dự thảo được công bố, nội dung "người lái xe phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn" đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều; trong đó phần lớn cho rằng quy định này làm mọi việc thêm rắc rối và phiền hà cho người dân.
Một số chuyên gia y tế cho rằng phải làm rõ đối tượng nào chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh hoặc gặp tai nạn. Bởi việc khám lại sức khỏe sau tai nạn, bệnh tật trong trường hợp này mục đích là để xác định cá nhân đó có đủ điều kiện để điều khiển phương tiện hay không. Việc đánh giá này nếu chỉ là khám sức khỏe thông thường, liệu có đủ căn cứ? Thực tế, việc khám sức khỏe cho người vừa trải qua một cơn bạo bệnh hay một tai nạn đòi hỏi phải có hội đồng chuyên môn giám định thương tật mới biết sức khỏe suy giảm ở mức độ nào, có đủ điều kiện và năng lực để điều khiển phương tiện giao thông hay không.
Với đề xuất người lái xe phải chủ động khám lại sức khỏe sau tai nạn, chữa bệnh, có ý kiến cho rằng cũng cần quy định rõ cho đối tượng nào. Chẳng hạn quy định rõ áp dụng với người lái xe khách, xe container, xe tải, xe công nghệ, xe máy chuyên dùng… Ngoài ra, quy định trên nếu áp dụng với trường hợp điều khiển phương tiện cá nhân thì có cần thiết? Đối với người lái xe là các phương tiện cá nhân như xe máy, xe đạp điện, xe máy điện…, việc khám sức khỏe cá nhân nhằm mục đích gì trong khi các giấy phép lái xe hạng A1, A2 hiện không giới hạn thời gian sử dụng?
Các chuyên gia đánh giá quy định đề xuất người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn là cần thiết. Việc áp dụng các tiêu chuẩn sức khỏe mới sẽ giúp giảm thiểu số lượng tai nạn giao thông do người lái xe không đủ điều kiện sức khỏe gây ra. Tuy nhiên, quy định này chỉ nên áp dụng với các đối tượng là người hành nghề lái xe chuyên nghiệp như tài xế xe khách, xe tải…
Với xe cá nhân, nhiều ý kiến cho rằng quy định này không khả thi, không cần thiết, tạo gánh nặng cho người dân và bộ máy khám chữa bệnh. Có ý kiến lo ngại quy định này nếu không rõ ràng cũng dễ phát sinh tiêu cực.
Thực tế, hiện việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ cho tài xế ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, mang tính hình thức. Thay vì đề xuất người lái xe nói chung chủ động khám sức khỏe sau bệnh tật, tai nạn thì nên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra tại cơ sở y tế thực hiện khám sức khỏe tổng quát cho tài xế để bảo đảm việc khám và đánh giá thực chất.
Do đó, để bảo đảm tính khả thi của thông tư, trước hết, cơ quan soạn thảo cần lấy ý kiến rộng rãi để đánh giá sự cần thiết và tránh chồng chéo với các quy định hiện hành. Trong trường hợp nếu triển khai quy định về khám lại sức khỏe sau khi chữa bệnh, tai nạn thì cần đánh giá lại tác động hành chính, hiệu quả kinh tế và khi triển khai phải có giám sát, kiểm tra chứ không chỉ khuyến cáo chung chung.
Bình luận (0)