xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Báo động đỏ ô nhiễm không khí ở đô thị

Bài và ảnh: VĂN DUẨN

Chất lượng không khí ở thủ đô Hà Nội đang diễn biến đáng báo động, đòi hỏi phải chuyển đổi mạnh mẽ phương tiện giao thông

Trong nhiều ngày liên tiếp, Hà Nội chìm trong màn sương mù và bụi mờ đục. Hệ thống quan trắc không khí IQAir chiều 22-2 ghi nhận thủ đô Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về ô nhiễm không khí với chỉ số AQI ở mức 181. Tương tự, vào lúc 10 giờ cùng ngày, TP HCM ghi nhận nồng độ PM2.5 (bụi mịn) là 72 µg/m³, trong khi mức cho phép chỉ khoảng 5 µg/m³.

Tránh "vết xe đổ"

Trước đó, sáng 20-2, Hà Nội được đánh giá là ô nhiễm nhất thế giới khi chỉ số AQI chạm 227 - mức rất không tốt cho sức khỏe và nồng độ PM2.5 bằng 30,6 lần giá trị hướng dẫn hằng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM. Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu được xác định là từ các hoạt động giao thông vận tải, xây dựng và sản xuất công nghiệp. Trong đó, kết quả nghiên cứu của Bộ TN-MT và Ngân hàng Thế giới cho thấy giao thông là nguồn gây ô nhiễm chính, chiếm 58%-74%.

Nhiều chuyên gia môi trường khẳng định phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu là "thủ phạm" gây ô nhiễm không khí ở các đô thị. Tình trạng này càng trầm trọng hơn khi số lượng phương tiện cá nhân vẫn đang tiếp tục tăng nhanh, dù một số địa phương đã triển khai các biện pháp kiểm soát khí thải, mở rộng giao thông công cộng.

Số lượng phương tiện giao thông xanh, như xe điện, tại các đô thị lớn vẫn chiếm số ít

Số lượng phương tiện giao thông xanh, như xe điện, tại các đô thị lớn vẫn chiếm số ít

TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) - nêu rõ Hà Nội hiện có hơn 6 triệu xe máy và gần 800.000 ô tô sử dụng động cơ đốt trong, thải ra hàng tấn khí CO2, NO2, SO2, bụi mịn mỗi ngày.

"Để giảm ô nhiễm không khí, không thể chỉ trông chờ vào những biện pháp ngắn hạn mà cần chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn" - TS Tùng nhấn mạnh.

Dẫn chứng tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại nhiều thành phố lớn trên thế giới như Bắc Kinh (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan)..., TS Hoàng Dương Tùng cho rằng Việt Nam cần xác định rõ những hành động cấp bách và phải triển khai ngay nhằm tránh "đi vào vết xe đổ".

"Yếu tố quyết định thành công trong cuộc chiến với ô nhiễm không khí là quyết tâm chính trị và nguồn lực hỗ trợ. Việt Nam đang ở trong giai đoạn khủng hoảng về ô nhiễm không khí và đây là "thời điểm vàng" để tạo được sự đồng thuận cao trong vấn đề xử lý" - ông Tùng chỉ rõ.

Kiểm soát khí thải, phát triển xe điện

Chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương xây dựng, triển khai ngay các đề án, dự án để huy động nguồn lực xử lý tình trạng ô nhiễm không khí.

Theo PGS-TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN-MT (Bộ TN-MT), WHO đã cảnh báo ô nhiễm không khí gây 7 triệu ca tử vong mỗi năm, làm trầm trọng bệnh hô hấp, tim mạch và ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ em.

PGS-TS-BS Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt (TP Hà Nội), cũng lưu ý việc tiếp xúc với chất ô nhiễm trong không khí làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, tim mạch và đột quỵ. Ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng đến da, mắt, hệ thần kinh, miễn dịch và sức khỏe tâm thần.

Ngày 24-1 vừa qua, chính quyền TP Bangkok (Thái Lan) đã thông báo đóng cửa 352 trường học do ô nhiễm không khí đạt mức cao nhất trong 5 năm qua. Thủ tướng Thái Lan cũng ban hành lệnh miễn phí giao thông công cộng tại Bangkok từ ngày 25 đến 31-1.

Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ điện khí hóa giao thông, áp dụng mức hỗ trợ 2.000-4.300 USD cho người mua xe điện tùy vào gói pin. Dự án xe buýt điện tại Bangkok là một phần trong chiến lược chuyển đổi giao thông bền vững và giảm phát thải khí nhà kính của Thái Lan.

Tại Việt Nam, PGS-TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng để ứng phó với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội và TP HCM, cần kiểm soát phát thải, phát triển xe điện thông qua triển khai thị trường tín chỉ xe điện, mở rộng mảng xanh và nâng cao nhận thức cộng đồng. Trong đó, giải pháp khả thi là khuyến khích chuyển đổi từ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Thọ, tín chỉ xe điện có thể được coi là công cụ tài chính giúp các công ty giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính; thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ xe điện tại Việt Nam và tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường carbon toàn cầu.

"Thái Lan là một điển hình về việc áp dụng tín chỉ carbon tự nguyện để phát triển xe điện. Chính phủ Thái Lan không chỉ cung cấp các gói hỗ trợ cho người tiêu dùng khi mua xe điện mà còn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án xe điện qua thị trường tín chỉ carbon. Điều này giúp thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được các cam kết trong Thỏa thuận Paris về khí hậu" - PGS-TS Nguyễn Đình Thọ dẫn chứng. 

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Trước tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội, tháng 1-2025, Tập đoàn Vingroup đã phát động chiến dịch "Vì thủ đô trong xanh", kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức về môi trường và chung tay giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí với nhiều ưu đãi lớn cho các khách hàng mua xe đạp, xe máy, ô tô điện.

Ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vingroup - cho rằng nỗ lực lấy lại sự trong lành cho bầu trời thủ đô không phải là trách nhiệm của riêng ai mà cần sự chung tay của cả cộng đồng - từ các cơ quan quản lý tới các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và mỗi cá nhân đang sống, học tập và làm việc trên địa bàn.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo