Theo báo cáo "Việt Nam: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện" do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, thị phần xe 2 bánh chạy điện có thể tăng từ 12% hiện nay lên 75% vào năm 2035, còn ô tô điện sẽ chiếm 93% doanh số bán ô tô giai đoạn 2036-2050.
Đến năm 2030, ngành điện cần thêm 9 tỉ USD
Nhu cầu sạc xe điện tăng cao sẽ tạo áp lực lớn lên ngành điện. Đến năm 2035, ngành điện cần tăng sản lượng thêm 5% và công suất mạng lưới thêm 4%. Con số này lần lượt là 30% và 15% vào năm 2050. Để đáp ứng nhu cầu nguồn điện, ngoài vốn thực hiện Quy hoạch Điện VIII, đến năm 2030, Việt Nam cần đầu tư thêm cho ngành điện 9 tỉ USD, sau đó tăng lên 14 tỉ USD/năm trong giai đoạn 2031-2050.
Theo TS Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam, đến năm 2050, ước tính Việt Nam có gần 50 triệu ô tô điện sử dụng năng lượng sạch và 24 triệu xe máy điện. Sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện giao thông sạch phải đi đôi với việc phát triển hạ tầng hệ thống trạm sạc. Tính toán cho thấy cả nước cần lắp đặt hơn 4 triệu trạm sạc cấp độ 2 và 400.000 trạm sạc cấp độ 3 để phục vụ số lượng xe điện sẽ được sử dụng.
Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên - người sáng lập, CEO Công ty CP Phương tiện điện Thông minh Selex (Selex Motors) - nhấn mạnh hạ tầng năng lượng cho xe điện là điều kiện cần để có thể phát triển loại hình phương tiện giao thông này và phải đi trước một bước so với lộ trình phổ cập xe điện. "Đây là một bài toán lớn, doanh nghiệp không thể tự giải quyết được mà cần chính sách đồng bộ, mạnh mẽ, kịp thời từ Chính phủ, trong đó đồng thời bảo đảm nguồn năng lượng và thúc đẩy phát triển hạ tầng sạc xe điện" - ông Nguyên nhìn nhận.
Góp ý cụ thể, CEO Selex Motors cho rằng cần có chính sách ưu tiên phát triển nguồn điện sạch như điện mặt trời, cho phép mua bán trực tiếp các nguồn điện cho hoạt động liên quan xe điện và có chính sách giá điện riêng. Đối với phát triển hạ tầng trạm sạc, cần kịp thời xây dựng quy hoạch hoặc có hướng dẫn về địa điểm có thể đặt trạm sạc, trạm đổi pin để doanh nghiệp có thể chủ động phát triển. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách khuyến khích khác như giảm thuế nhập khẩu, thuế GTGT, ưu đãi thuê mặt bằng...
"Các chính sách cần được xây dựng đồng bộ nhưng ưu tiên triển khai nhanh, không cầu toàn và theo hướng mở, tránh tình trạng "không biết thì cấm, chưa có tiền lệ thì chờ". Nếu không, chúng ta sẽ tụt hậu so với các nước và sẽ lỡ cơ hội vàng này" - ông Nguyên băn khoăn.

Nhu cầu sạc xe điện sẽ tạo áp lực lớn lên ngành điện từ nay đến năm 2030 và giai đoạn sau đó
Đánh giá kỹ nhu cầu
Bộ Công Thương đang xem xét điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII. Theo đại diện Cục Điều tiết điện lực, việc bảo đảm nguồn điện cho phát triển kinh tế - xã hội đã được Bộ Công Thương rất quan tâm, thể hiện ở việc đẩy mạnh đầu tư các dự án nguồn điện - bao gồm cả điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng; lưới điện truyền tải và phân phối...
"Xe điện là một phụ tải góp phần làm tăng trưởng tổng phụ tải trong thời gian tới, nằm trong bức tranh tổng thể về cung ứng điện" - đại diện Cục Điều tiết điện lực cho hay.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho rằng với mức tăng trưởng GDP năm 2025 dự kiến 8% và giai đoạn 2026-2030 là 10%/năm, nhu cầu điện sẽ tăng cao. Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã đưa ra 2 kịch bản gồm tăng trưởng nhu cầu điện 10,3%/năm theo phương án cơ sở và 12,5%/năm theo phương án cao - sát với các kịch bản phát triển kinh tế. "Tuy nhiên, khi điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII, cần đánh giá kỹ nhu cầu điện cho giao thông xanh cũng như cho việc triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam và hệ thống metro" - ông Tuấn lưu ý.
Theo ông Bowen Wang, chuyên gia cao cấp về giao thông vận tải của WB, việc nâng cấp hệ thống điện đòi hỏi đầu tư từ cả khu vực công và tư nhân. Trong đó, khu vực công đóng góp phần lớn cho các khoản đầu tư liên quan mạng lưới truyền tải, phân phối điện; còn khu vực tư nhân có thể đầu tư vào các hoạt động khác liên quan cấp phát điện. Ngoài ra, các lĩnh vực đầu tư mới như phát triển lưới điện thông minh sẽ trở nên quan trọng khi chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện, nhằm giám sát phụ tải tốt hơn.
Chuyên gia WB khuyến nghị Chính phủ tập trung tạo ra môi trường chính sách giúp thúc đẩy tối đa động lực của khu vực tư nhân và triển vọng kinh doanh liên quan việc đầu tư vào mạng lưới trạm sạc. Chẳng hạn, xây dựng quy định về sử dụng xe điện với lộ trình cụ thể, thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng về cơ sở hạ tầng sạc, đưa ra các ưu đãi về tài chính và phi tài chính... Nhờ đó, khu vực tư nhân có thể đầu tư vào trạm sạc, trong khi Chính phủ có thể thí điểm các mô hình đầu tư theo hình hình thức đối tác công - tư để thông qua các dự án thí điểm do Chính phủ thực hiện.
Đến năm 2030, công suất điện tăng gấp 3 lần
Bộ Công Thương cho biết 3 mục tiêu chính của Quy hoạch Điện VIII là đáp ứng nhu cầu phụ tải trong nước theo từng vùng miền, thúc đẩy mua bán điện trực tiếp và xuất khẩu điện sạch sang các nước lân cận. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam phải hoàn thành mục tiêu phát triển quy mô công suất điện gấp 2,5-3 lần hiện tại, tiến tới gấp 5-7 lần vào năm 2050. Tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống năm 2024 là 82.400 MW.
Để thực hiện mục tiêu trên, cần tối đa hóa tiềm năng năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời tập trung và điện mặt trời áp mái. Bên cạnh đó, phát triển hợp lý các nguồn năng lượng nền như điện khí hóa lỏng, từng bước phát triển điện hạt nhân để bảo đảm nguồn cung điện ổn định, sạch và bền vững.
Bình luận (0)