xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bão Gaemi gây họa nhiều nơi

ANH THƯ

Bão Gaemi trút mưa xối xả khắp Philippines và Đài Loan (Trung Quốc), gây nhiều thiệt hại nặng nề

Sau khi tấn công Đài Loan (Trung Quốc) đêm 24-7, theo Tân Hoa Xã, bão Gaemi được dự báo vượt qua eo biển Đài Loan, tiến về phía đại lục và đổ bộ lần thứ hai vào tỉnh Phúc Kiến chiều tối 25-7.

Nhiều giờ trước khi đổ bộ vào Đài Loan, bão Gaemi đạt sức gió lên tới 227 km/giờ gần tâm bão, tức trên cấp 17 (cấp mạnh nhất) theo thang sức gió Beaufort mà Việt Nam sử dụng. Nhiều thiệt hại đã được ghi nhận trên đảo Đài Loan, với một người thiệt mạng do cây đổ ở TP Cao Hùng trong khi 58 người khác bị thương. 

Ở huyện nông thôn Nghi Lan, nơi cơn bão hướng thẳng đến, thuyền trưởng tàu đánh cá Hung Chun nói với Reuters: "Đây có thể là cơn bão lớn nhất trong những năm gần đây". Theo ông Hung, cảng Tô Áo của Nghi Lan chật kín tàu thuyền tìm nơi trú ẩn.

Trong ngày 24-7, các công sở và trường học đã đóng cửa trên khắp Đài Loan. Hơn 4.000 người được sơ tán khỏi các vùng núi thưa dân có nguy cơ lở đất cao. Hầu hết chuyến bay trong hòn đảo và 227 chuyến đi quốc tế đã bị hủy. Mọi hoạt động đường sắt cũng dừng lại từ giữa trưa 24-7 (giờ địa phương).

Mưa lớn nhấn chìm TP Marikina trong Vùng đô thị Manila - Philippines hôm 24-7 Ảnh: REUTERS

Mưa lớn nhấn chìm TP Marikina trong Vùng đô thị Manila - Philippines hôm 24-7 Ảnh: REUTERS

Tại Trung Quốc đại lục, từ 10 giờ sáng ngày 24-7 (giờ địa phương), Trung tâm Khí tượng quốc gia (NMC) đã ban hành cảnh báo màu đỏ - mức cao nhất - đối với bão Gaemi. Đây là cảnh báo đỏ đầu tiên về bão trong năm nay.

 Do ảnh hưởng của cơn bão, gió giật sẽ quét qua một số vùng biển như kênh đào Bashi, eo biển Đài Loan cũng như các vùng ven biển của Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Tô, Thượng Hải, khu vực cửa sông Dương Tử và vịnh Hàng Châu. 

Một số khu vực ở Chiết Giang, Phúc Kiến dự kiến có mưa lớn, có nơi lượng mưa lên tới 600 mm. Tỉnh Phúc Kiến đã nâng mức cảnh báo và thông báo tạm dừng tất cả dịch vụ tàu chở khách trong 2 ngày 25 và 26-7. Sân bay quốc tế Trường Lạc Phúc Châu ở Phúc Kiến đã hủy và hoãn nhiều chuyến bay.

Đây là cơn bão thứ hai liên tiếp mà Trung Quốc hứng chịu sau khi bão Prapiroon (Việt Nam gọi là bão số 2) đổ bộ hôm 23-7 với sức gió vùng gần tâm bão lên tới 100 km/giờ. Cơn bão này gây mưa lớn và gió giật ở nhiều khu vực miền Nam Trung Quốc. Sau khi đổ bộ vào TP Vạn Ninh ở Hải Nam, cơn bão di chuyển vào vùng biển phía Đông của vịnh Bắc Bộ vào lúc 10 giờ sáng (giờ địa phương).

Trong khi đó, nhiều nơi tại miền Bắc Trung Quốc nhận cảnh báo mưa to có nguy cơ gây ngập lụt và lở đất. 

Tại thủ đô Bắc Kinh, sau nhiều ngày nóng trên 35 độ C, chính quyền thành phố ban bố cảnh báo lũ mức cao thứ hai hôm 24-7 khi có dự báo lượng mưa lên tới 150 mm trút xuống từ giữa ngày 24 và chiều 25-7. Tỉnh Hà Bắc lân cận cũng cảnh báo tương tự - theo Tân Hoa xã. Lũ quét ở miền Bắc và Tây Nam Trung Quốc đã làm ít nhất 20 người thiệt mạng cuối tuần qua.

Trong khi đó tại Phlippines, vùng thủ đô Manila (bao gồm 16 thành phố và có ít nhất 13 triệu dân) và các tỉnh phía Bắc đã hứng mưa lớn từ ngày 24-7 do ảnh hưởng bão Gaemi, nhấn chìm nhiều đường phố, nhà cửa, trường học và bệnh viện trong làn nước sâu tới ngực. Hàng chục ngàn người phải sơ tán trong khi các cơ quan đơn vị, lớp học, giao dịch chứng khoán và ngoại hối đều bị đình chỉ, theo Reuters.

Cơ quan thời tiết cho biết tuy cơn bão không đổ bộ nhưng nó làm tăng cường gió mùa Tây Nam, gây ra mưa từ lớn đến dữ dội ở miền Bắc Philippines, kèm theo nguy cơ lũ lụt và lở đất. Ít nhất 4 người đã thiệt mạng do lở đất ở tỉnh Batangas. Trước đó, Philippines cũng chịu thiệt hại lớn khi bão Prapiroon đổ bộ vào miền Nam đất nước, gây ra lũ lụt và làm chết 7 người. 

Kỷ lục ngày nóng nhất

Dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan giám sát biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu cho biết ngày 22-7 vừa qua là ngày nóng nhất từng được cơ quan này ghi nhận. Đáng chú ý, đây là ngày thứ hai liên tiếp kỷ lục này bị phá. Cụ thể, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu hôm 22-7 là 17,15 độ C, cao hơn 0,06 độ so với con số hôm 21-7.

Trong những ngày gần đây, nhiều thành phố ở Nhật Bản, Indonesia và Trung Quốc ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục. Các quốc gia vùng Vịnh cũng trải qua chỉ số nhiệt - tính cả độ ẩm - vượt quá 60 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ ở một số khu vực của châu Âu vượt 45 độ C.

C3S bắt đầu theo dõi loại dữ liệu này từ năm 1940. Năm 2023 cũng ghi nhận kỷ lục này đã được thiết lập trong 4 ngày liên tiếp đầu tháng 7 (từ ngày 3 đến 6-7). Trước đó, ngày nóng nhất là vào tháng 8-2016.

Các nhà khoa học lưu ý rằng tháng 7 năm nay không có sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu và hiện tượng khí hậu El Nino như tháng 7 năm ngoái. Nhà khoa học khí hậu Karsten Haustein tại Trường ĐH Leipzig (Đức) nhận định với Reuters đây là diễn biến đáng lo khi kỷ lục ngày nóng nhất liên tục bị phá trong bối cảnh thế giới không còn cảm nhận được tác động của El Nino.

Cũng theo chuyên gia này, ngày 22-7 vừa qua có thể đã thiết lập kỷ lục mới về nhiệt độ trung bình toàn cầu tuyệt đối ấm nhất trong hàng chục ngàn năm. Trong khi đó, một số nhà khoa học khác dự báo năm 2024 có thể vượt qua năm 2023 để trở thành năm nóng nhất kể từ khi dữ liệu loại này được thu thập.

Hoàng Phương


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo