Mỗi sáng, tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, không khí lại rộn ràng với tiếng nói cười từ những người đàn ông đang tất bật chuẩn bị chuyến khám phá rừng cho du khách. Họ là đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn, nhân viên khuân vác (porter) trong các tour du lịch mà Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) tổ chức. Ít ai biết, họ từng là những người khai thác rừng trái phép.
Quyết tâm "quay đầu là bờ"
Từ năm 2015, miền quê Tân Hóa bắt đầu rục rịch làm du lịch. Tận dụng cảnh quan rừng núi, hang động mà thiên nhiên ban tặng, nhiều tour du lịch đã được Oxalis đưa vào khai thác. Đó cũng là khởi đầu "con đường sáng" cho nhiều lâm tặc. Họ cắt rừng về xuôi, tham gia những lớp tập huấn do Oxalis tổ chức với quyết tâm làm lại cuộc đời.
Nhiều năm trước, anh Thái Xuân Bằng - ở thôn 2 Yên Thọ, xã Tân Hóa - xem việc khai thác rừng là kế sinh nhai. Vùng "rốn lũ" Tân Hóa vốn nghèo xác xơ, những thanh niên như Bằng chẳng biết làm gì để mưu sinh ngoài việc chấp nhận sống đời lâm tặc. Ròng rã hàng tháng trời giữa đại ngàn, đồng tiền họ kiếm được nhiều khi đánh đổi bằng máu và nước mắt, thậm chí cả sinh mạng.
"Sau nhiều năm sống chui lủi vất vả trong rừng, khi nghe tin Oxalis tuyển dụng người làm công việc hướng dẫn du lịch, chúng tôi quyết định tham gia. Tôi đã được công ty nhận làm porter cho các tour đến Tú Làn thấm thoát cũng gần 10 năm" - anh Bằng nhớ lại.
Anh Trương Quang Lương - ở thôn 4 Yên Thọ, xã Tân Hóa - cũng từng là lâm tặc. Khi Oxalis mở tour khám phá rừng lim bằng xe ATV, anh quyết tâm "quay đầu là bờ" và trở thành một trong những porter cần mẫn. Công việc giữ rừng kết hợp khai thác du lịch đã tạo sinh kế cho anh nuôi gia đình. Hiện nay, Lương có thu nhập trên 12 triệu đồng mỗi tháng - số tiền mà những người dân nghèo như anh từng mơ ước.
Trong hơn 100 lao động là người dân xã Tân Hóa đang tham gia hoạt động du lịch, phần đông từng làm nghề khai thác rừng trái phép. Giờ đây, khi trở thành những đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn và porter, họ lại vận dụng sự từng trải, vốn hiểu biết của mình để phục vụ du khách. Những người đàn ông vốn quanh năm chỉ biết làm nông, chăn nuôi và khai thác rừng trái phép nay mạnh dạn tham gia các lớp đào tạo, tập huấn để trở thành nhân sự chủ lực trong các tour khám phá hang động ở Quảng Bình.
Không còn khai thác rừng trái phép
"Đa số porter từng khai thác rừng trái phép, giờ tham gia các hoạt động du lịch nên họ có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường sống. Họ hiểu rằng bảo vệ rừng là bảo vệ chính nguồn sống của mình, bảo vệ kế sinh nhai. Giữ rừng và những tài nguyên thiên nhiên khác cũng chính là bảo vệ công việc của mình. Du khách đến đây là vì cảnh đẹp, nếu họ không đến thì lấy công việc đâu cho chúng tôi làm, lấy đâu thu nhập để cải thiện cuộc sống?" - anh Trương Minh Nam - ở Tân Hóa, một porter du lịch - bày tỏ.
Theo ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, địa phương có diện tích rừng hơn 5.000 ha, được bao quanh bởi những núi đá. Người dân ở đây ngày càng ý thức rừng núi có giá trị đặc biệt quan trọng, nhất là khi các hoạt động du lịch đang diễn ra chủ yếu khai thác chính tài nguyên rừng và hang động. Việc bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên càng trở nên cấp thiết với một vùng đất quanh năm thiên tai như "rốn lũ" Tân Hóa.
Ông Duẫn nhìn nhận người dân địa phương đã thực sự nâng cao nhận thức, không còn vào rừng bẫy thú, khai thác gỗ trái phép. "Chúng tôi còn chú trọng tuyên truyền để người dân không vào rừng khai thác thạch nhũ trong các hang động nhằm giữ gìn vẻ đẹp thiên nhiên vốn được kết tinh từ hàng triệu năm" - ông cho biết.
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, khẳng định địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc tạo sinh kế, việc làm ổn định cho người dân để họ không phải khai thác rừng trái phép; trích một phần lợi nhuận từ việc khai thác du lịch để đóng phí bảo vệ môi trường rừng… Đó là những nỗ lực để bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên bền vững, hiệu quả mà địa phương đang thực hiện.
Hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường
Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Oxalis, cho biết bên cạnh việc bảo đảm an toàn trong khai thác du lịch mạo hiểm, vấn đề bảo tồn, bảo vệ môi trường với sự tham gia của cộng đồng cũng là yếu tố tiên quyết trong nguyên tắc hoạt động của công ty. Ngoài việc sử dụng lối mòn, khu cắm trại nhất định, các thiết bị, vật dụng dùng trong tour đều được cân nhắc để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.
Các tour của Oxalis được thiết kế theo từng nhóm du khách nhỏ, có thời gian nghỉ để không gây ảnh hưởng và bảo đảm tính cân bằng của hệ sinh thái. Chất thải khi chế biến đồ ăn và rác thải từ tour du lịch đều được mang ra khỏi rừng, xử lý đúng nơi quy định. Hành vi của từng thành viên tour trải nghiệm đều hướng đến việc góp phần phát huy giá trị tài nguyên, gắn với giữ gìn môi trường tự nhiên.
Qua hơn 10 năm tổ chức các tour du lịch trải nghiệm khám phá thiên nhiên, Oxalis hiểu rằng việc phát triển du lịch dựa vào khai thác các yếu tố tài nguyên tự nhiên nếu không được thực hiện một cách hợp lý sẽ làm suy giảm chất lượng môi trường, ảnh hưởng tới sự phát triển bên vững. Bảo vệ môi trường cũng chính là yếu tố góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa - những đối tác quan trọng của Oxalis.
Bình luận (0)