Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, bãi biển 2 thôn Từ Thiện và Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận trở thành nơi mưu sinh của hàng chục người dân địa phương qua việc khai thác rong biển. Sau khi thủy triều rút, các bãi san hô rộng hàng trăm mét vuông tại vùng biển này phủ một màu xanh mơn mởn của rong biển.
"Sáng sớm, khi thủy triều rút xuống thì người dân lại rủ nhau ra vớt rong biển cho đến khi thủy triều lên. Năm nay, rong biển được thương lái thu mua với giá 7.000 đồng/kg. Sáng vớt rong biển lên phơi, tới chiều là tôi bán được 200.000 đồng. Người nào chịu khó có thể kiếm được 300.000-400.000 đồng mỗi ngày" - chị Hoa, ngụ thôn Từ Thiện, cho biết.
Ngoài rong xanh, rong mơ cũng xuất hiện nhiều ở các vùng biển tại 2 huyện Ninh Hải và Thuận Nam. Rong mơ có nhiều ở vùng biển ngập nửa thân người. Để vớt được rong mơ, người dân địa phương sử dụng kính bơi, đồ lặn tìm đến vùng biển cách bờ khoảng 500 m. Sau 2-3 giờ dầm mình dưới nước biển, mỗi người có thể vớt được 2-3 tạ rong. Rong mơ sau đó được phơi khô và bán cho thương lái với giá 7.000 đồng/kg.
Do nhu cầu thị trường rất lớn nên rong biển sau khi được người dân vớt lên đều được thương lái thu mua hết. Rong xanh được sử dụng trong các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, phân bón… Riêng rong mơ thì được thương lái cung cấp cho các nhà máy chế biến thực phẩm, nước giải khát. Ngoài 2 loại rong này, dọc vùng biển các xã Thanh Hải, Nhơn Hải (huyện Ninh Hải); Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná (huyện Thuận Nam), người dân còn thu hoạch được rong chân vịt.
Không chỉ mang lại thu nhập đáng kể cho cư dân ven biển, các bãi rong tại Ninh Thuận mùa này còn là điểm đến thu hút nhiều bạn trẻ và du khách.
Theo ông Phan Thanh Dư (nhà cạnh rạn san hô thôn Từ Thiện), rong xanh có quanh năm nhưng nhiều nhất là từ tháng 2 đến tháng 6. "Ba năm trước, rong biển ở đây rất nhiều. Sau này, do ô nhiễm môi trường nên rong biển ngày càng ít, thu nhập của người dân cũng giảm" - ông lo ngại.
Ông Dư cũng như nhiều người dân địa phương hiểu rằng ô nhiễm môi trường sẽ khiến họ mất nguồn "lộc biển" này. Vì vậy, ai cũng đều có ý thức bảo vệ vùng biển nơi mình sinh sống.
Bình luận (0)