Hiện nay, lối sống xanh không chỉ là một xu hướng mà là một cách tiếp cận bền vững, giúp bảo vệ môi trường và tạo ra tác động tích cực đến môi trường.
Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng toàn cầu, mỗi hành động nhỏ hằng ngày của chúng ta đều có thể góp phần vào việc giảm thiểu tác động xấu đến Trái đất. Khuyến khích lối sống xanh thông qua những thay đổi nhỏ hằng ngày có thể tạo ra tác động lớn đến môi trường.
Sử dụng năng lượng tái tạo
Anh Cao Văn Long, một kỹ sư điện tại Hà Nội, đã quyết định lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại mái nhà của mình. Anh Long cho biết chi phí lắp đặt ban đầu khá cao, nhưng sau vài năm, anh đã tiết kiệm được một khoản đáng kể cho hóa đơn điện hằng tháng. Hệ thống điện mặt trời không chỉ giúp giảm chi phí mà còn đóng góp vào việc giảm khí thải carbon. Chính hành động này của anh Long là một minh chứng cho việc sử dụng năng lượng tái tạo có thể giúp bảo vệ môi trường và tạo nguồn tiết kiệm lâu dài.
Sống xanh khi đi xe đạp
Xăng dầu là nguyên nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí, tác động xấu đến sức khỏe của con người, đặc biệt tại môi trường đô thị. Hiện nay, không ít người đã chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt. Anh Trần Văn Nam, làm việc cho một công ty tại quận Ba Đình (Hà Nội) đã chuyển từ xe máy sang đi làm bằng tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Anh Nam chia sẻ, từ khi đi làm bằng tàu điện, anh vừa tiết kiệm được khoản chi phí tiền xăng xe không nhỏ, vừa đỡ mệt mỏi vì tắc đường.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Trang, một cô giáo mầm non tại phường Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã thay đổi thói quen di chuyển của mình bằng cách sử dụng xe đạp thay vì xe máy. Việc này không chỉ giúp chị tiết kiệm xăng xe, mà còn giảm lượng khí thải ra môi trường, đặc biệt trong một thành phố ô nhiễm như Hà Nội. Chị Trang chia sẻ: "Dù hành động này nhỏ, nhưng khi tất cả mọi người cùng nhau làm như vậy thì chắc chắn tác động sẽ rất lớn".
Thay đổi từ phân loại rác tại nguồn
Gia đình chị Lê Thị Hạnh (phố Hoàng Đạo Thành, Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) đã bắt đầu phân loại rác thải tại nguồn và tái chế những vật liệu có thể tái sử dụng. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa, thay vì sử dụng các sản phẩm nhựa một lần, gia đình chị Hạnh đã chuyển sang sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên như túi vải, hộp thủy tinh. Từ đó, gia đình chị không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, ở nhiều chung cư, việc phân loại rác tại nguồn đã được thực hiện. Chị Phùng Thị Hảo, cư dân tại Chung cư FELIZ HOMES (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết gia đình chị đã bắt đầu phân loại rác từ cuối năm ngoái.
Để đảm bảo nguồn rau sạch cho gia đình sử dụng, chị Hảo còn dùng các thùng xốp, chai nhựa để trồng rau ngay tại ban công nhà mình. Chị cho biết khi thực hiện lối sống xanh, bản thân các thành viên trong gia đình cảm thấy tích cực hơn, nhẹ nhàng hơn.
Ngay tại tầng 1 chung cư nơi chị Hảo sinh sống cũng đặt thùng thu gom pin đã qua sử dụng. Chị Hảo chia sẻ: "Mình phải làm gương cho các con trong việc sống xanh để các con có ý thức bảo vệ môi trường từ khi còn nhỏ". Chị cũng cho rằng, các công ty, chung cư nên có các thùng rác phân loại để tạo thói quen tốt cho mọi người, từ đó nâng cao ý thức với môi trường.
Trong thời đại chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững, việc chọn lối sống xanh không chỉ là một trách nhiệm cá nhân mà còn là một nghĩa vụ đối với cộng đồng. Những hành động nhỏ, từ việc tiết kiệm năng lượng, sử dụng sản phẩm tái chế đến việc di chuyển bằng phương tiện thân thiện với môi trường như xe đạp đều có thể tạo ra thay đổi lớn. Mỗi người chúng ta có thể bắt đầu ngay hôm nay, bởi những hành động nhỏ sẽ góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Bình luận (0)