Theo thông tin ban đầu, do bất cẩn trong quá trình ngắt - mở điện, lò nghiền đã dịch chuyển cuốn 10 công nhân vào trong, gây ra TNLĐ đau lòng.
Trước đó không lâu, vào lúc 0 giờ 20 phút ngày 3-4, nhóm công nhân gồm 11 người của Công ty Than Thống Nhất (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) đang làm công việc đào hầm lò thì xảy ra sự cố cháy khí metan khiến 4 người tử vong, 7 người bị thương…
An toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm trong hoạt động của doanh nghiệp và an toàn, an sinh xã hội. Bộ Luật Lao động và Luật AT-VSLĐ cùng nhiều quy định pháp luật khác đều quy chuẩn hóa các nguyên tắc bảo đảm AT-VSLĐ; quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động về AT-VSLĐ, quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn về vấn đề này… Luật cũng quy định rõ nội quy, quy trình và các biện pháp bảo đảm AT-VSLĐ; quản lý thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại nơi làm việc…
Mới đây, ngày 19-3, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 31-CT/TƯ về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác AT-VSLĐ trong tình hình mới, khẳng định AT-VSLĐ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh con người, góp phần phát triển bền vững doanh nghiệp và đất nước. Chỉ thị đưa ra mục tiêu phấn đấu giảm TNLĐ, nhất là TNLĐ nghiêm trọng, tỉ lệ TNLĐ chết người giảm ít nhất 4%/năm; số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm…
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, cả nước đã xảy ra 7.394 vụ TNLĐ, trong đó có 662 vụ chết người. Số người chết vì TNLĐ là 699, giảm 55 người so với năm 2022. Số người bị thương nặng do TNLĐ là 1.720, tăng 73 người so với năm 2022.
Về nguyên nhân xảy ra TNLĐ chết người, do người sử dụng lao động chiếm 46,05% tổng số vụ và 44,37% tổng số người chết; do người lao động vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 15,85% tổng số vụ và 16,3% tổng số người chết. Còn lại là do các nguyên nhân khác như: tai nạn giao thông, do người khác gây ra, khách quan khó tránh.
Thiệt hại về vật chất và tài sản do TNLĐ là cực lớn, chỉ riêng năm 2023 đã lên tới hơn 17.000 tỉ đồng. Còn thiệt hại về nhân mạng là không thể bù đắp nổi. Di hại của TNLĐ cũng rất nặng nề, nhiều người bị thương sống trong tình trạng tinh thần bất ổn, sức khỏe giảm sút. Sau TNLĐ, mọi tiếc thương, hối hận với người trong cuộc đều đã muộn màng…
Cha ông ta đã từng dặn dò: "Cẩn tắc, vô ưu". Hãy luôn giữ nằm lòng câu này, tuyệt đối làm đúng các quy trình, quy phạm, không được phép lơ là, bởi cái giá phải trả cho sai lầm là cực đắt. Sau mỗi con người không chỉ là cá nhân họ mà còn là gia đình, sự nghiệp, hạnh phúc, tương lai…
Đừng vì bất cẩn một giây mà hối hận cả đời!
Bình luận (0)