Từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng được xem là phân khúc "ì ạch" nhất trên thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều dự án trục trặc pháp lý hoặc không thực hiện trả lãi như cam kết cho nhà đầu tư khiến phân khúc này ngày càng kém hấp dẫn. Đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát kéo dài, các hoạt động du lịch ngưng trệ, từ đó đến nay, đầu tư vào BĐS du lịch gần như "đóng băng".
Tuy nhiên, từ khi các địa phương chính thức chuyển sang giai đoạn bình thường mới, nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, đầu tư các sản phẩm nghỉ dưỡng giá trị có xu hướng quay lại - đặc biệt khi Chính phủ thống nhất mở cửa hoàn toàn cho hoạt động thương mại, du lịch - phân khúc này được kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh mẽ.
Tại hội thảo về BĐS nghỉ dưỡng vừa diễn ra ở TP Đà Nẵng cuối tuần qua, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, cho rằng BĐS nghỉ dưỡng có 2 lực đẩy để hồi phục. Đó là cung cầu đang ở mức hợp lý, do 2 năm qua rất ít dự án mới triển khai. Thứ hai là sự phục hồi của ngành du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách trở lại Việt Nam, kéo theo đó là nhiều tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng quy mô, cũng như nhiều đô thị lớn sẽ thu hút nhà đầu tư quay lại phân khúc này nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nhận định nhiều địa phương sau thời gian ngưng trệ hoạt động vì đại dịch Covid-19 rất khao khát mở cửa, phục vụ du khách. Với lực đẩy từ gói hỗ trợ kích thích kinh tế, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ như chiếc lò xo bị nén, bật mạnh sau nhiều năm "ngủ đông". Đặc biệt, nếu so về giá thì BĐS nghỉ dưỡng tại các dự án chưa tăng quá nhiều so với đất vườn, đất vùng ven trong 2 năm qua. Đó là lý do để phân khúc này thu hút nhà đầu tư trở lại.
Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KỲ NAM
Trưởng phòng môi giới một doanh nghiệp chuyên môi giới các dự án lớn cũng xác nhận một yếu tố có thể thu hút nhà đầu tư quay lại với BĐS nghỉ dưỡng là việc giá các sản phẩm thuộc phân khúc này không tăng quá nhiều như các phân khúc khác như đất nền, đất vườn, nhà phố, căn hộ…
Cụ thể, nếu ở phân khúc căn hộ tại TP HCM, Hà Nội hay đất vùng ven, đất nông nghiệp, đất vườn tăng mạnh vài chục phần trăm trong 2-3 năm qua thì căn hộ condotel, biệt thự nghỉ dưỡng… tại các dự án du lịch chỉ tăng nhẹ 3%-5% trong 2 năm qua. Vì vậy, dư địa để BĐS du lịch phát triển mạnh mẽ về cả cung cầu và giá cả từ nay đến năm 2025 là rất lớn.
Ông Đặng Quốc Việt, Giám đốc Công ty BĐS Smartland - chuyên phân phối phân khúc BĐS nghỉ dưỡng cho các dự án trên toàn quốc, cho hay thực tế trong 2 năm đại dịch, nhiều dự án BĐS đình trệ, dừng triển khai nhưng một số dự án chuyên về thị trường BĐS nghỉ dưỡng vẫn có thể thu hút được khách thông qua bán hàng online, bởi đó là dự án ở vị trí đắc địa nên tỉ lệ hấp thụ rất tốt, nhất là ở Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh…
Thậm chí những biệt thự biển có vị trí đẹp, mở bán âm thầm với giá trung bình 28-45 tỉ đồng, đặc biệt có những căn lên đến 120 tỉ đồng nhưng vẫn có khách săn đón. "Khách mua chủ yếu là những người có dòng tiền ổn định. Họ mua để ở kết hợp khai thác sau 1-3 năm. Đa phần các khách hàng này rất trung thành, đi theo các chủ đầu tư uy tín, đúng tiến độ nhiều năm, nhiều dự án" - ông Việt thông tin. Theo dự đoán của ông Việt, năm 2022 và những năm tiếp theo, thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ bùng nổ trở lại, bởi hiện tại nhiều chủ đầu tư lớn vẫn âm thầm triển khai dự án, chỉ chờ thời điểm thích hợp để công bố.
Trong báo cáo về thị trường BĐS vừa công bố ngày 28-2, Savills Việt Nam cho rằng việc tự do đi lại sẽ giúp thị trường du lịch nội địa nóng trở lại. Đồng thời, việc mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế vào tháng 3 là cơ hội vàng để ngành du lịch Việt Nam trở lại với sức bật mới. Với đòn bẩy phục hồi du lịch, thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ có nhiều khả năng vực dậy.
Chính sách mở cửa đi lại giữa Việt Nam và các nước cũng sẽ làm thị trường BĐS trở nên sôi động hơn, không chỉ ở phân khúc khách sạn, nghỉ dưỡng mà còn ở phân khúc căn hộ dịch vụ.
Nghiên cứu của Savills Việt Nam chỉ ra rằng các chuyên gia Nhật Bản và Hàn Quốc là khách thuê chính tại các căn hộ dịch vụ hạng A, với 79% thị phần trong nửa đầu năm 2021 và tăng lên 84% trong 2 quý còn lại.
"Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ chảy vào Việt Nam trong năm qua phần nào khẳng định số lượng lớn các chuyên gia quốc tế đang và sẽ làm việc tại Việt Nam. Một khi đường bay quốc tế hoạt động lại, họ sẽ đến Việt Nam để làm việc dài hạn, góp phần đưa phân khúc căn hộ dịch vụ trở lại đà tăng trưởng như trước" - ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, nhận xét.
Còn theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, bên cạnh các thành phố phát triển mạnh về du lịch như Hạ Long, có nhiều dự án lớn về du lịch, nghỉ dưỡng đang phát triển ở các vùng ngoại thành và xung quanh TP Hà Nội như Hòa Bình và Thanh Hóa.
Việc di chuyển tới các huyện ngoại thành đang trở nên thuận tiện hơn do hạ tầng giao thông phát triển thì người dân sẽ có nhu cầu lựa chọn những địa điểm nghỉ dưỡng gần và xung quanh Hà Nội vào những ngày cuối tuần. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy nhà đầu tư đổ tiền vào các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng.
Bình luận (0)