Trao đổi về vấn đề này, TS. BÙI QUANG TÍN, CEO Trường Doanh nhân BizLight, dự báo giá căn hộ sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, đặc biệt là khu Đông TP - nơi có hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc.
PHÓNG VIÊN: - Hiện nay giá căn hộ tại TP HCM đã thiết lập mặt bằng giá mới. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân do môi giới đã đẩy giá tăng lên 15-20%. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này và liệu giá căn hộ có tiếp tục tăng trong 3 tháng còn lại của năm 2017?
TS. BÙI QUANG TÍN: - Theo nghiên cứu của chúng tôi, số lượng căn hộ giao dịch thành công trong quý II tại TPHCM tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, gần 10.000 căn hộ. Việc tăng này không chỉ từ nhu cầu thực, còn do cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh, quỹ đất sạch ngày càng khan hiếm cho các phân khúc, đặc biệt là phân khúc trung cấp giảm trên 40% so với năm 2016, cũng làm giá tăng trong thời gian qua.
Trong khi đó, nhu cầu căn hộ giá rẻ tại TP vẫn rất lớn và nguồn cung vẫn chưa đáp ứng được, đặc biệt căn hộ có giá dưới 1,5 tỉ đồng. Nhưng điều khó khăn đối với các doanh nghiệp tham gia phân khúc này là phải tối ưu hóa chi phí đầu vào, từ quỹ đất, lãi vay, xây dựng… đặc biệt là khâu đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) để tạo ra quỹ đất sạch. Nhu cầu nhà ở phân khúc bình dân và trung cấp sẽ còn phát triển rất mạnh trong thời gian tới để đáp ứng cho nhu cầu thực của người dân.
Thực tế này khiến giá nhà và căn hộ chung cư sẽ còn tiếp tục tăng, càng tạo khó khăn cho người có thu nhập thấp hoặc trung bình mua nhà. Và cùng với sự tác động của giới đầu cơ, giá căn hộ sẽ còn tiếp tục tăng trong các tháng còn lại của năm nay.
Quang cảnh Hưng Thịnh Land mở bán dự án căn hộ.
- Hiện đang có tình trạng tăng giá so với đợt mở bán đầu tiên diễn ra ở hầu hết dự án mới. Đây là quy luật chung của thị trường hay có nguyên nhân nào khác, thưa ông?
- Tình trạng này là quy luật chung trong điều kiện thị trường đang phát triển như hiện nay, hay thời điểm năm 2006-2008 trước đây, tức giá BĐS tăng lên theo thời gian. Thực tế, sau một thời gian cơ sở hạ tầng nơi phát triển dự án dần được hoàn thiện, đầy đủ hơn các tiện ích đáp ứng nhu cầu người dân về bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại… sẽ có giá trị hơn so với khi bắt đầu triển khai dự án.
Bên cạnh đó, nhu cầu thực của người dân luôn tăng lên ở các TP lớn với các BĐS phù hợp, trong khi nguồn cung luôn giới hạn sẽ làm cầu lớn hơn cung ở phân khúc này.
Kết hợp với các chính sách của Nhà nước ngày càng hỗ trợ tốt hơn cho người mua nhà có nhu cầu thực, như về tín dụng, lãi suất, tài sản thế chấp, pháp lý của dự án… giúp các giao dịch BĐS ngày càng minh bạch và an toàn hơn, từ đó làm cho giá BĐS tăng tốt hơn.
- Hạ tầng tại khu Đông đang được đầu tư và nâng cấp mạnh mẽ. Theo ông, tiềm năng phát triển của BĐS ở khu vực này và giá cả căn hộ chung cư tại đây sẽ ra sao trong thời gian tới?
- Theo quy hoạch đến năm 2025, khu Đông (gồm quận 2, 9 và Thủ Đức) sẽ trở thành trung tâm đô thị tri thức và công nghệ cao của TP, tập trung nhiều dự án hạ tầng giao thông quy mô trọng điểm, như tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên dự kiến hoàn thành năm 2019; mở rộng Xa lộ Hà Nội; xây dựng và đưa vào sử dụng cầu Sài Gòn 2; trục đường Mai Chí Thọ đã thông xe nối quận 9, Thủ Đức vào quận 2 và thông vào quận 1; trục đường Phạm Văn Đồng nối quận Thủ Đức, quận 9 vào Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất...
Việc thị trường BĐS khu Đông TP phát triển mạnh gần đây một phần còn nhờ quy hoạch giãn dân và hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Hơn nữa khu vực này dễ dàng kết nối với hệ thống cảng sông lớn, kết nối Quốc lộ 1 và 4 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với TP HCM, đã và đang thu hút nhiều chuyên gia nước ngoài, trí thức, người lao động về làm việc ổn định lâu dài. Vì thế, giá cả trong vòng 1 năm nay ở khu vực này tăng lên khá cao, có nơi lên đến trên 50%, dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng.
- Ông dự đoán như thế nào về quy hoạch đô thị của TP HCM trong thời gian tới?
- Hướng phát triển TPHCM đến năm 2025 là gắn kết với các đô thị trong Vùng đô thị thành TPHCM như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành (thuộc tỉnh Đồng Nai), Thủ Dầu Một, Dĩ An (tỉnh Bình Dương), Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), Đức Hòa, Bến Lức, Tân An (tỉnh Long An). Cụ thể, ngoài khu vực nội thành hiện hữu và mở rộng sang khu đô thị Thủ Thiêm, TP sẽ phát triển mạnh cả 4 hướng.
Theo đó, sẽ ưu tiên phát triển 4 hành lang, gồm hành lang Tây Bắc dọc Quốc lộ 22, liên kết với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương); hành lang cửa ngõ phía Đông dọc tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, kết nối với các đô thị Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hòa (Đồng Nai); hành lang trục đường Nguyễn Văn Linh kết nối các khu đô thị phía Nam TP, khu đô thị Tân Kiên, trung tâm huyện Bình Chánh và hành lang dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ để kết nối các khu đô thị dọc tuyến và khu đô thị cảng Hiệp Phước.
Cấu trúc đô thị tương lai của TP HCM chủ yếu bao gồm khu lõi trung tâm hiện hữu và các trung tâm mới ở ngoại thành, sẽ làm cho các dự án hiện nay tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.
Bình luận (0)