Thời điểm này, dịch Covid-19 tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh bắt đầu tái khởi động, trong đó có du lịch. Tuy vậy, ghi nhận trên một số trang mạng bất động sản, hàng loạt khách sạn trên các tuyến đường sầm uất của TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) như Nguyễn Biểu, Nguyễn Thiện Thuật, Trần Phú, hẻm đường Hùng Vương... vẫn đang được rao bán với mức giá hàng chục tỉ đồng đến cả trăm tỉ đồng. Chẳng hạn, một khách sạn ở đường ven biển Trần Phú cao 15 tầng mặt tiền 10 m, có diện tích 150 m2, quy mô 50 phòng được rao bán với giá 150 tỉ đồng. Trong khi đó, một homestay khác ở đường Dã Tượng quy mô 19 phòng cũng rao bán với giá 14 tỉ đồng.
Khi phóng viên liên lạc với nhân viên môi giới một công ty bất động sản ở Nha Trang, người này giới thiệu về một khách sạn mini có diện tích 94 m2, gồm 18 phòng nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật bán với giá 23 tỉ đồng. Khách sạn này vừa mới xây dựng xong đầu năm nay nhưng tình hình khách ế ẩm, chủ đầu tư không đủ tiền trả ngân hàng nên phải bán gấp. Khi chúng tôi chê giá đắt, người này giới thiệu tiếp một khách sạn khác nằm trên đường Nguyễn Biểu (phường Vĩnh Hải) diện tích 95 m2, đang rao bán giá 21 tỉ đồng quy mô 7 tầng, với 20 phòng. "Chủ khách sạn này cũng nợ ngân hàng nhiều nên muốn bán. Nếu anh muốn mua, em sẽ dẫn anh đi xem và gặp chủ để đàm phán" - nhân viên này nói.
Nhiều khách sạn ở TP Nha Trang đang rao bán từ tháng 3 đến nay
Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa, cho rằng hiện nay tình trạng rao bán khách sạn phổ biển ở Nha Trang là do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến lượng khách sụt giảm nghiêm trọng.
Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, đến đầu năm 2020, trên địa bàn Khánh Hòa có hơn 800 cơ sở lưu trú với gần 50.000 phòng, trong đó có khoảng hơn 60% phòng lưu trú có chất lượng từ 3 sao trở lên. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến Khánh Hòa đã giảm rất mạnh. Đến cuối tháng 4, tình hình du khách giảm mạnh do các hãng hàng không tạm ngừng các đường bay quốc tế nên tỉ lệ hủy đoàn của du khách đến từ các nước là 100%. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch, đánh giá lượng khách sụt giảm gần như bằng con số 0 đã khiến nhiều cơ sở kinh doanh du lịch phải đóng cửa, thiệt hại kinh tế rất nặng nề. Đến nay, Sở Du lịch đã nhận được thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh của 60 cơ sở lưu trú du lịch với gần 13.000 phòng.
Ông Trần Đình Quý cho biết những khách sạn được rao bán đa số đều mới xây dựng. Chủ đầu tư vay tiền ngân hàng để xây khách sạn nhưng du khách sụt giảm khiến họ thua lỗ buộc phải rao bán để trả nợ.
Tuy vậy, ông Quý cho rằng tình hình hiện nay, khó khăn của người này lại là cơ hội của người khác. Thực tế, khi nhiều chủ đầu tư rao bán khách sạn thì cũng xuất hiện nhiều người đi "săn" khách sạn, bất động sản giá rẻ để bán lại kiếm lời hoặc tiếp tục kinh doanh khi hết dịch. "Hiện nay, giá bán khách sạn mỗi nơi mỗi khác tùy thuộc vào địa điểm, diện tích, số tầng, số phòng, nội thất… nhưng thực tế giá vẫn không giảm nhiều. Tuy vậy, đây là thời điểm dễ đàm phán để có được khách sạn phù hợp" - ông Quý nhận định.
Một doanh nghiệp chuyên xây dựng và mua bán khách sạn ở Nha Trang cho biết ông vừa bán được 3 căn khách sạn và đang xây thêm 2 căn nữa để bán. "Nha Trang có rất nhiều khách sạn và nhiều thương hiệu quốc tế bậc nhất của cả nước. Do đó, nhà đầu tư nào cũng kỳ vọng dịp khủng hoảng này sẽ là cơ hội để mua với giá thấp. Hiện nay, những khách sạn 3-4 sao đang rao bán khá nhiều với giá từ 200-300 tỉ đồng nhưng đa số các giao dịch này không công khai trên mạng" - người này cho biết.
Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho rằng đầu tư vào các dự án thương mại và du lịch, đặc biệt là khách sạn và khu nghỉ dưỡng, thường mang tầm nhìn dài hạn. Do vậy, có thể nói những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn như hiện nay chính là những thử thách giúp sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.
Bình luận (0)