Ngày 28-12, TAND TP HCM xử sơ thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM (Saigon Co.op) gây thiệt hại hơn 115 tỉ đồng. VKSND TP HCM cáo buộc bị cáo Diệp Dũng, cựu chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cùng 8 đồng phạm về tội "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Tại toà, bị cáo Diệp Dũng thừa nhận nội dung cáo trạng thể hiện.
Cụ thể, tháng 2-2016, Saigon Co.op xin UBND TP HCM chủ trương mua lại chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam. Sau khi được chấp thuận, ngày 4-3-2016, ông Diệp Dũng ký công văn gửi nhà đầu tư để huy động 10.000 tỉ đồng mua lại chuỗi siêu thị Big C. Cũng theo công văn, nếu Saigon Co.op không trúng thương vụ này, số tiền góp vốn sẽ được hoàn trả hoặc để bổ sung vào vốn của Saigon Co.op để phát triển và mở rộng mạng lưới.
Đến ngày 10-3-2016, Saigon Co.op nhận được 3.000 tỉ đồng từ 56 công ty góp vốn. Cuối tháng 5-2016, Saigon Co.op tham gia đấu giá mua Big C nhưng không thành. Các công ty không rút vốn mà đồng ý tiếp tục góp vốn để mở rộng, phát triển mạng lưới của Saigon Co.op.
Đến khoảng tháng 7-2016, ông Diệp Dũng chỉ đạo Hồ Mỹ Hòa, Giám đốc Tài chính Saigon Co.op, mang 1.000 tỉ đồng (trong khoản 3.000 tỉ đồng huy động từ nhà đầu tư) đi đầu tư. Việc đầu tư này không thông qua HĐQT Saigon Co.op.
Từ tháng 6-2016 đến tháng 3-2018, ông Dũng tự ý ký 2 hợp đồng hợp tác đầu tư và chuyển 1.000 tỉ đồng cho Công ty Đô Thị Mới (700 tỉ đồng) và Công ty Đại Á (300 tỉ đồng).
Theo hợp đồng hợp tác đầu tư với 2 công ty, Saigon Co.op được nhận tỉ lệ lợi nhuận 7%/năm. Thời hạn hợp đồng 3 tháng, được thanh toán gốc, lãi một lần vào cuối kỳ hợp tác.
Sau đó 2 công ty nhận 1.000 tỉ đồng báo việc đầu tư không thu được lợi nhuận và xin được giảm lãi xuất xuống 0%/năm. Ngày 24-3-2018, ông Diệp Dũng tiếp tục không thông qua HĐQT Saigon Co.op đồng ý ký thỏa thuận điều chỉnh tỉ lệ lợi nhuận từ 7%/năm thành 0%/năm như đề nghị của 2 công ty trên.
Theo cáo buộc, đây là nguyên nhân trực tiếp khiến Saigon Co.op thiệt hại hơn 115 tỉ đồng. Số tiền này gồm lợi nhuận 7% và tiền mà Cục thuế TP HCM truy thu thuế và phạt tiền.
Trước toà, ông Dũng lý giải rằng nguyên nhân dùng 1.000 tỉ đồng đi đầu tư vì sợ lãng phí. Ông Dũng dẫn chứng thời gian này thương vụ mua Big C không thành, trong khi đó Saigon Co.op vẫn đang chờ ý kiến của cơ quan chức năng cho phép kết nạp thành viên mới.
Ông Dũng nói dưới con mắt của một người làm kinh tế, ông mong muốn đưa 1.000 tỉ đồng vào lưu thông để tạo ra thêm lợi nhuận cho Saigon Co.op. Từ đó tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho cán bộ, công nhân viên.
Sau khi nghe Phòng tài chính đề xuất chuyện đầu tư, ông Dũng đã đồng ý. Bị cáo nói thêm để tránh rủi ro, ông đặt điều kiện đối tác đầu tư phải có tài sản đảm bảo. Với yêu cầu này, ông đã chọn được Công ty Đô Thị Mới và Công ty Đại Á.
Về lý do điều chỉnh lợi nhuận về 0% cho 2 công ty, bị cáo Diệp Dũng nói khi biết đối tác sử dụng dòng vốn không hiệu quả, bị cáo sợ mất vốn hoặc bị đối tác chiếm dụng vốn. Lúc đó bị cáo chỉ nghĩ làm sao để thu hồi vốn nhanh nhất. Đây là lý do bị cáo giảm lợi nhuận.
"Nếu không có biện pháp ngăn chặn rủi ro ngay thì thiệt hại có thể sẽ lớn hơn con số 115 tỉ đồng. Bởi vì để xử lý tài sản của đối tác theo quy định phải trải qua quá trình kiện tụng mất rất nhiều thời gian, khi đó thiệt hại có thể sẽ rất lớn"- bị cáo Dũng khai.
Bình luận (0)