Sau 3 ngày làm việc, sáng 3-12, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028, đã thành công tốt đẹp. Đại hội vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các vị khách quốc tế, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành ủy, các cán bộ Công đoàn các thời kỳ đã tới dự phiên trọng thể và tham dự các hoạt động của Đại hội.
Kiến nghị nhiều chính sách cho NLĐ
Trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động (NLĐ) và tổ chức CĐ với Đảng, Nhà nước tại phiên bế mạc, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết thông qua Đại hội Công đoàn các cấp, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nhận được 445 ý kiến của CNVC-LĐ cán bộ Công đoàn cả nước bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, hiến kế, kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Tại Đại hội này, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp, lựa chọn 8 vấn đề lớn báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại biểu dự Đại hội.
Trong số các chính sách kiến nghị, Tổng LĐLĐ Việt Nam có đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, trong đó có pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích và trách nhiệm của NLĐ và hoạt động Công đoàn. Các dự án luật cần được khảo sát kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động trực tiếp; các quy định bảo đảm hài hòa lợi ích của NLĐ, người sử dụng lao động và Nhà nước, quan tâm bảo vệ đối tượng yếu thế, thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa trong quan hệ lao động; giúp NLĐ được thụ hưởng thành quả xứng đáng với sự đóng góp của họ trong gần 40 năm đổi mới đất nước.
Bên cạnh đó, ông Ngọ Duy Hiểu cũng nêu nhiều kiến nghị liên quan đến tiền lương, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho NLĐ. Cụ thể, Công đoàn đề xuất tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cho NLĐ; huy động nguồn lực toàn xã hội thúc đẩy Đề án một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân (CN) KCN giai đoạn 2021-2030; quan tâm quy hoạch, xây dựng trường học, cơ sở khám chữa bệnh nơi có đông CN; hoàn thiện pháp luật về BHXH, BHYT, giúp NLĐ nhận rõ lợi ích, có niềm tin ở lại lâu dài với hệ thống bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi an sinh xã hội cho NLĐ - không chỉ lúc đang làm việc mà cả lúc họ nghỉ hưu.
Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành sớm nghiên cứu giảm thời giờ làm việc bình thường đối với NLĐ thấp hơn 48 giờ/tuần, hướng tới bảo đảm sự công bằng giữa thời giờ làm việc của NLĐ khu vực cơ quan, hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần); nghiên cứu tăng ngày nghỉ lễ, Tết hằng năm vào thời điểm thích hợp.
Công đoàn cũng đề nghị cần tăng cường quản lý Nhà nước, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật đối với NLĐ. Chính phủ sớm có chủ trương trình cấp có thẩm quyền có chính sách đặc thù để giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho hơn 200.000 lao động bị nợ BHXH do doanh nghiệp (DN) giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu. "Những kiến nghị trên đây là mong muốn, nguyện vọng chung của đông đảo CN lao động và cán bộ Công đoàn cả nước" - ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Xác định 3 khâu đột phá
Tại phiên bế mạc, 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Với phương châm "Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển", Đại hội kêu gọi toàn thể cán bộ Công đoàn, CNVC-LĐ cả nước phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp CN, tổ chức Công đoàn Việt Nam nêu cao tinh thần đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, Công đoàn vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của NLĐ, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta.
Đại hội cũng đề ra chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ, cả nước có 15 triệu đoàn viên Công đoàn, thành lập tổ chức cơ sở ở 100% các DN có từ 25 lao động trở lên. Ít nhất 83% DN, đơn vị có tổ chức Công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được Công đoàn thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật. Phấn đấu 90% trở lên số vụ việc về lao động khởi kiện tại tòa án được Công đoàn hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ khi đoàn viên có yêu cầu.
Đại hội chọn 3 khâu đột phá gồm: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động. Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ở các DN ngoài khu vực Nhà nước. Xây dựng đội ngũ chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch Công đoàn tại các DN ngoài khu vực Nhà nước.
5 chương trình, nghị quyết chuyên đề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, gồm: Nghị quyết đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn tại các DN ngoài khu vực Nhà nước đến năm 2028, tầm nhìn đến năm 2033. Chương trình nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể giai đoạn 2023-2028.
Chương trình xây dựng đội ngũ chủ tịch Công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch CĐ DN ngoài khu vực Nhà nước. Chương trình đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn giai đoạn 2023-2028. Chương trình chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động Công đoàn. Đại hội cũng thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã được bổ sung, sửa đổi.
Ông Nguyễn Đình Khang tái đắc cử Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII
Sáng 3-12, Ban Chấp hành (BCH) Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2023-2028 gồm 168 người, đã ra mắt Đại hội.
Tại phiên họp thứ nhất diễn ra tối 2-12, BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII đã bầu ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII tiếp tục giữ chức Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII; bầu 5 Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII, gồm: ông Phan Văn Anh, ông Ngọ Duy Hiểu, ông Huỳnh Thanh Xuân, bà Thái Thu Xương và ông Nguyễn Xuân Hùng.
Cũng tại phiên họp thứ nhất, BCH đã bầu 28 Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII; bầu 17 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII. Ông Nguyễn Minh Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ khóa XII, Trưởng Ban Tài chính Tổng LĐLĐ Việt Nam, được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII.
Lương, thưởng Tết năm nay sẽ khó khăn
Ngay sau khi bế mạc Đại hội, các lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chủ trì họp báo thông tin kết quả Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Trả lời báo chí về vấn đề lương và thưởng Tết Giáp Thìn năm 2024, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết "lương thưởng năm nay sẽ khó khăn" bởi một bộ phận DN gặp tình trạng thiếu đơn hàng, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Trả lời câu hỏi về các giải pháp, chương trình hành động của Công đoàn để triển khai khâu đột phát "đối thoại tiền lương, thưởng", ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng để thực hiện việc này, sẽ phải tiếp tục đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Công đoàn cơ sở về tiền lương, kỹ năng đàm phán, thương lượng. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tích cực nghiên cứu, rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung các chính sách về tiền lương tối thiểu vùng. Ngoài ra, sau khi đã có kết quả đàm phán, thương lượng thông qua cơ chế 3 bên, thì việc tổ chức thực hiện rất quan trọng, do đó cần có giải pháp trong việc này.
Phát biểu tại họp báo, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cảm ơn các lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí với tinh thần trách nhiệm, chia sẻ, đồng hành cùng tổ chức Công đoàn đã kịp thời thông tin những nội dung quan trọng của Đại hội tới bạn đọc và nhân dân cả nước. "Sự thành công của Đại hội có phần đóng góp không nhỏ của các cơ quan thông tấn báo chí. Chúng tôi trân trọng cảm ơn sự chia sẻ, phản ánh, thông tin kịp thời về tất cả nội dung của Đại hội" - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam bày tỏ.
Bình luận (0)