Bác sĩ Dư Tuấn Quy - Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) - cho biết hiện tại thủy đậu bắt đầu vào mùa, đặc biệt xảy ra ở người chưa tiêm ngừa vắc-xin thủy đậu.
Tại bệnh viện, mỗi ngày, khoa tiếp nhận từ 2-3 ca nhập viện điều trị nội trú vì bệnh thủy đậu, trong đó có những trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng do mắc các bệnh lý kèm theo.
Điển hình, bệnh viện vừa tiếp nhận bé trai L.T.T (12 tuổi, ngụ TP HCM) mắc thủy đậu trong tình trạng khó thở, mệt mỏi, đầu nổi các nốt đen. Đáng chú ý, khi nhập viện, qua thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ phát hiện bé bị xuất huyết dạng tiểu cầu và lupus ban đỏ. Bé được cách ly, truyền kháng sinh và điều trị tích cực.
Chị Đ.T.N.H (38 tuổi, mẹ bé T) cho biết trước đó, bé đi học sau đó than mệt nên cô giáo gọi đón về. "Bé về than mệt, khó thở, kiểm tra trên đầu có nốt màu đen nên đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1 thăm khám và được chẩn đoán thủy đậu" – chị H. nói.
Cũng nhập viện trong tình trạng khò khè, khó thở, bé trai N.N.M (1 tháng tuổi, ngụ Tây Ninh) mắc thủy đậu sau khi mẹ vừa khỏi bệnh. Chị N.T.U.T (người nhà bé M.) cho biết trước đó, mẹ bé mắc thủy đậu, sau đó, đi khám tại địa phương nhưng được tư vấn không cần cách ly vẫn cho bé bú bình thường. Tuy nhiên, khi mẹ bé vừa khỏi bệnh thì bé xuất hiện các nốt đỏ trên mặt nên đưa bé đến bệnh viện thăm khám. Hiện bé và mẹ cách ly và đang được truyền kháng sinh, điều trị tích cực.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết thủy đậu là bệnh phổ biến quanh năm nhưng thường mắc nhiều nhất vào mùa đông và mùa xuân. Giai đoạn này còn được gọi là mùa thủy đậu và bệnh có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi.
Theo bác sĩ Quy, đa số trẻ nhập viện do lây thủy đậu từ người thân trong gia đình.
"Một số người lớn chưa được tiêm ngừa thủy đậu, sau khi mắc bệnh đã lây cho trẻ. Đặc biệt hơn một số trẻ trước đó do dịch COVID-19 cũng bị gián đoạn tiêm vắc-xin. Trẻ nhập viện có diễn tiến nặng với các trường hợp mắc bệnh lý nền như ung thư, thận mãn tính, bệnh lý về huyết học,… Điều này khiến trẻ phải nằm viện điều trị kéo dài, chi phí tốn kém" – bác sĩ Quy chia sẻ.
Ông cũng lưu ý thời tiết hiện tại se lạnh khiến trẻ dễ mắc các bệnh hen suyễn, tiểu phế quản. Nếu trẻ mắc thủy đậu cũng khiến tình trạng bệnh nặng thêm, đặc biệt nếu mắc thủy đậu cũng khiến bệnh nặng thêm.
Để phòng ngừa bệnh thủy đậu, bác sĩ Quy khuyến cáo các bậc cha mẹ cần kiểm tra lịch tiêm ngừa cho trẻ để tránh gián đoạn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đối với bệnh dễ lây nhiễm như thủy đậu, tiêm vắc-xin là cách phòng bệnh đơn giản, an toàn và hiệu quả cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần vệ sinh môi trường sống sạch sẽ; rửa tay sau khi tiếp xúc với các bề mặt nghi ngờ có chứa mầm bệnh; sử dụng các đồ dùng sinh hoạt vệ sinh riêng; làm sạch và khử trùng môi trường sống và các bề mặt thường xuyên có nhiều người tiếp xúc; kiểm soát tốt bệnh lý nền nếu có, chẳng hạn như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim…
Bình luận (0)