Từ ngày 1-7, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức được áp dụng trong lĩnh vực BHXH và BHYT trên toàn quốc.
Ông Lê Hùng Sơn, Giám đốc BHXH Việt Nam, khẳng định đã hoàn tất công tác chuẩn bị, bảo đảm hệ thống vận hành thông suốt, không gián đoạn quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Ông Lê Hùng Sơn, Giám đốc BHXH Việt Nam, chủ trì cuộc họp vào ngày 30-6. Ảnh: Hà Thuỷ
Theo ông Sơn, ngành đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và cơ quan BHXH các cấp đánh giá tác động từ sớm, nhận diện các khó khăn và vướng mắc để có giải pháp xử lý kịp thời.
Trong đó, trọng tâm là ưu tiên hoàn thiện bộ máy tổ chức ở địa phương, rà soát và chuyển đổi phần mềm nghiệp vụ để tương thích với mô hình mới, đồng thời bố trí nhân lực phù hợp, bảo đảm mọi khâu đều sẵn sàng khi mô hình đi vào hoạt động.
Tại BHXH Việt Nam và các địa phương, ngành đã thành lập các tổ công tác thường trực. Tổ tại trung ương do Giám đốc BHXH Việt Nam làm tổ trưởng, chịu trách nhiệm chỉ đạo chung. Các tổ tại cấp khu vực có nhiệm vụ tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp các tình huống phát sinh trong quá trình triển khai.
BHXH Việt Nam cũng yêu cầu đẩy mạnh tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, xử lý nhanh các vướng mắc.
Cùng với tổ chức bộ máy, ngành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp 70 dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình và tích hợp 100% lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ trực tuyến qua giao dịch điện tử, tiết kiệm thời gian và chi phí. Mô hình mới cũng đi kèm việc tái cơ cấu quy trình nghiệp vụ, cắt giảm giấy tờ nếu thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu, như giấy tờ dân cư, căn cước công dân, BHXH, đăng ký xe, giấy phép lái xe…

Ngành BHXH cung cấp 70 dịch vụ công trực tuyến và tích hợp 100% trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia
BHXH Việt Nam khẳng định việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết chế độ, chính sách. Mọi quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT vẫn được bảo đảm.
"Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của ngành là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, không để quá trình chuyển đổi mô hình ảnh hưởng đến quyền lợi của người thụ hưởng chính sách"- ông Sơn nhấn mạnh.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam yêu cầu toàn ngành tăng cường thông tin tới người dân, người lao động và đơn vị sử dụng lao động về địa chỉ giao dịch, trụ sở mới và số điện thoại liên hệ của cơ quan BHXH sau khi sắp xếp.
Đồng thời, ngành sẽ tổ chức hướng dẫn đầy đủ các thủ tục hành chính, dịch vụ công trong bối cảnh thay đổi đơn vị hành chính tại một số địa phương.
Bình luận (0)