Ngày 28-7, Trung tâm Y tế khu vực Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) cho biết vừa tiếp nhận và cấp cứu kịp thời cho người đàn ông 39 tuổi, với chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 - mức độ nặng sau khi bị kiến cắn.
Bệnh nhân bị kiến cắn được bác sĩ theo dõi. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Theo lời kể của người nhà, khoảng 1 giờ trước khi nhập viện, người bệnh bị kiến cắn vào tay và chân. Ban đầu, chỉ xuất hiện vài nốt mẩn đỏ và cảm giác ngứa lan khắp người. Tuy nhiên, sau đó người bệnh cảm thấy tức ngực, khó thở, nghẹn ở cổ, hoa mắt, chóng mặt. Gia đình hoảng hốt, lập tức đưa bệnh nhân tới Trung tâm Y tế khu vực Thanh Sơn để cấp cứu.
Tại Khoa Cấp cứu, các bác sĩ nhanh chóng xử trí bằng phác đồ cấp cứu phản vệ. Nhờ can thiệp kịp thời, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, các chỉ số sinh tồn ổn định và được xuất viện an toàn sau vài ngày theo dõi.
Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể xảy ra sau vài phút tiếp xúc với dị nguyên như thuốc, thực phẩm, hóa chất, nọc côn trùng… Tình trạng này gây tổn thương nhiều cơ quan cùng lúc và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần đặc biệt chú ý nếu bị côn trùng đốt mà xuất hiện triệu chứng như ngứa lan rộng, tức ngực, khó thở... nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý, tránh nguy cơ sốc phản vệ đe dọa tính mạng.
Bình luận (0)