Sống tại Việt Nam và làm việc từ xa cho các công ty quốc tế đang ngày càng phổ biến. Để cạnh tranh với ứng viên đến từ các nước khác, lao động Việt Nam cần những gì? Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với bà Lê Nguyễn Ngọc Dung (Jessica Le), Giám đốc điều hành Công ty TNHH Glints Việt Nam, về vấn đề này.
Phóng viên: Bà đánh giá thế nào về xu hướng làm việc từ xa và ưu điểm của ứng viên Việt Nam?
- Bà LÊ NGUYỄN NGỌC DUNG: Quý III/2023, chúng tôi ghi nhận số lượng ứng viên người Việt ứng tuyển thành công vào vị trí làm việc từ xa tại các doanh nghiệp (DN) quốc tế tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này phản ánh sự thay đổi trong chính tư duy của DN nước ngoài - ngày càng cởi mở trong việc tuyển nhân sự làm việc từ xa. Đây cũng là một trong những chiến lược của DN nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm người tài bản địa, trong khi chi phí nhân lực tăng cao nhưng không gắn liền với hiệu quả công việc.
Việt Nam được đánh giá sở hữu đội ngũ kỹ sư tài năng, nhờ vào sự phát triển của các trường đại học công nghệ cùng hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng. Nhiều DN nước ngoài bắt đầu quan tâm tìm kiếm nhân sự người Việt, nhất là trong các lĩnh vực: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu công nghệ phần mềm... Ngoài ra, người lao động có đạo đức nghề nghiệp tốt, chi phí nhân lực thấp cũng góp phần giúp Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn cho các DN quốc tế xây dựng nhóm chuyên gia công nghệ làm việc xuyên biên giới.
Tựu trung, ưu điểm của lao động Việt Nam đến từ sự kết hợp giữa nền giáo dục tốt, năng lực công nghệ và văn hóa làm việc phù hợp tiêu chuẩn toàn cầu.
Theo bà, thách thức mà ứng viên tìm việc xuyên biên giới đối diện là gì?
- Thách thức hàng đầu đối với ứng viên Việt Nam tìm việc xuyên biên giới là rào cản ngôn ngữ, nhất là khả năng thông thạo tiếng Anh thương mại.
Giao tiếp hiệu quả rất quan trọng khi cộng tác từ xa, vì thế ứng viên phải đạt được trình độ giao tiếp nhất định. Dù đã có những tiến bộ đáng chú ý về chuyên môn và kỹ năng nhưng khi ứng tuyển, nhiều ứng viên Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong khả năng giao tiếp.
Ngoài ra, mức lương của nhân sự Việt Nam so với nhân sự nước ngoài có sự chênh lệch rõ rệt. Theo báo cáo về nhân tài khởi nghiệp Đông Nam Á năm 2023 của Glints, mức lương của chuyên gia công nghệ Việt Nam ước tính thấp hơn 27% - 50% so với các nhân sự có trình độ và kinh nghiệm tương tự ở Singapore. Đáng chú ý, mức lương trung bình của kỹ sư phần mềm cao cấp có kinh nghiệm 3 - 5 năm tại Nhật Bản cao gấp 3 lần so với Việt Nam. Cũng cần phải nói thêm rằng môi trường làm việc tại Nhật Bản thường đòi hỏi trình độ tiếng Nhật thành thạo.
Những ước tính nêu trên chỉ mới xét đến điều kiện kinh tế khu vực, chi phí sinh hoạt và tiêu chuẩn ngành. Chênh lệch lương thực tế có thể thay đổi tùy theo năng lực cụ thể của từng cá nhân và các yếu tố đàm phán khác.
Như vậy, ứng viên Việt Nam cần đầu tư gì để có thể "săn" việc từ xa hiệu quả?
- Để trở nên nổi trội khi ứng tuyển làm việc từ xa cho công ty quốc tế, ứng viên Việt Nam cần tập trung đa dạng các kỹ năng, chú trọng đầu tư vào chuyên môn và ngoại ngữ. Cần xây dựng hồ sơ năng lực chi tiết và thường xuyên nâng cao trình độ thông qua các bài kiểm tra trực tuyến. Cần dành thời gian trau dồi ngôn ngữ bằng cách tham gia chương trình hoặc khóa học liên quan, giúp ích cho việc giao tiếp trong môi trường đa văn hóa.
Hiện nay, các công ty đánh giá cao những ứng viên toàn diện, có khả năng thích ứng cao, có kỹ năng chuyển đổi và tư duy linh hoạt. Vì vậy, tinh thần tự học hỏi và cải thiện bản thân luôn được khuyến khích.
Bình luận (0)