Trong bối cảnh thị trường tuyển dụng ảm đạm, các doanh nghiệp (DN) phải cắt giảm nhân sự, hạn chế tuyển mới nên cơ hội tìm việc làm ngày càng bó hẹp. Tuy nhiên, theo nhiều nhà tuyển dụng, vẫn có nhiều ứng viên đi tìm việc với một "lối mòn" của những thập kỷ trước. Điều đó vô tình cản trở bước đường sự nghiệp của người lao động một cách đáng tiếc.
Đi xin việc như cách đây 30 năm
Là chuyên gia nhân sự nhiều kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ, nguyên Phó Giám đốc phụ trách nhân sự Công ty CP MISA, kể nhiều ứng viên vẫn lên văn phòng công ty nộp bộ hồ sơ có chứng thực, có đủ sơ yếu lý lịch, đơn xin việc, giấy khám sức khỏe, bằng cấp... như đi xin việc cách đây 30 năm. Trong khi các thông báo tuyển dụng, DN chỉ yêu cầu nộp hồ sơ online theo mẫu sẵn có trên các website tuyển dụng chuyên nghiệp.
Nhà tuyển dụng luôn chào đón những ứng viên tiềm năng sau khi lọc hàng trăm hồ sơ ứng tuyển
Chỉ cần như vậy, nếu đạt phỏng vấn thì mới hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu để làm hợp đồng lao động và lưu trữ. "Đây là một lối mòn và thể hiện sự cứng nhắc, thiếu nhanh nhạy, sáng tạo của ứng viên. Hiện các DN đều xem trọng kỹ năng công nghệ, giải quyết tình huống nên những hồ sơ theo kiểu cũ là điểm trừ. Đa số người đến công ty với hồ sơ này đều không có cơ hội vào vòng trong" - bà Lệ nói. Ngoài ra, một "lối mòn" khác không chỉ ứng viên mới ra trường mắc phải mà cả NLĐ nhiều năm đi làm cũng gặp phải. Đó là rải hồ sơ nhiều nơi để gia tăng cơ hội việc làm cho mình nhưng thực tế là lợi bất cập hại.
Chỉ với một CV (hồ sơ tìm việc), NLĐ sẽ khó trình bày một cách cụ thể và nêu nổi bật được khả năng của mình cho vị trí mà DN đang tuyển. Việc gửi CV cùng lúc cho nhiều DN, ở nhiều vị trí tuyển dụng của một DN mà không có sự xem xét và nghiên cứu kỹ lưỡng sẽ khiến ứng viên tốn thời gian cho những công ty không phù hợp với bản thân. Bên cạnh đó, nếu không tập trung cho mỗi vị trí ứng tuyển cũng sẽ gây khó khăn khi được mời tham gia phỏng vấn.
Theo bà Đặng Thị Hải Hà, người sáng lập Weatwork.co, hiện hầu hết các nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên cho CV có sự hiểu biết về DN, như điều chỉnh màu nền của CV khớp với màu chủ đạo của công ty đang tuyển dụng cũng là một cách rất được khích lệ. "Thay vì rải CV khắp nơi, ứng viên nên dành thời gian để nghiên cứu và phân tích những vị trí mà bản thân quan tâm nhiều nhất, phù hợp với năng lực. Xem xét thật kỹ các yêu cầu của nhà tuyển dụng dành cho vị trí đó trước khi ứng tuyển. Như vậy, khi gửi CV, nhà tuyển dụng sẽ nhận ra ứng viên rất quan tâm và quyết tâm cho vị trí họ đang tuyển" - bà Hà góp ý.
Lưu ý tính cách, tác phong
Một "lối mòn" phổ biến khác mà nhiều ứng viên thường đi vào, đó là không xem trọng thư xin việc. Thực tế, nhiều người chỉ gửi mỗi CV qua e-mail cho nhà tuyển dụng mà không hề có phần giới thiệu sơ lược hoặc chỉ viết vài dòng cho có lệ. Điều này làm họ rơi vào "danh sách đen" của nhà tuyển dụng hoặc rất lâu mới nhận được hồi âm.
Bà Vũ Hạnh Hoa, CEO Công ty CP JoyUni, cho rằng thư xin việc đóng một vai trò quan trọng để nhà tuyển dụng đánh giá nhanh độ tiềm năng của ứng viên. Khi lọc hồ sơ, nhà tuyển dụng khá bối rối khi người ứng tuyển vào vị trí chưa có kinh nghiệm trước đó, nhưng lại không tận dụng thư xin việc để trình bày lý do. "Đây là cách để ứng viên chia sẻ nhiều hơn về lý do ứng tuyển. Nếu ứng viên đang cố gắng chuyển đổi nghề nghiệp thì thư xin việc sẽ là một phần quan trọng trong việc xác định có được cân nhắc cho công việc đó hay không" - bà Hoa nói.
Thêm một "lối mòn" nữa cũng góp phần không nhỏ khiến nhiều ứng viên gặp khó khăn khi tìm việc, đó là bằng các nền tảng truyền thống. Bà Ngô Mỹ Linh, Giám đốc marketing của Adecco Việt Nam, cho biết hiện để tìm kiếm nhân tài, các DN sử dụng đa kênh và ứng dụng công nghệ vào quy trình tuyển dụng. Do đó, nếu ứng viên chỉ đang ứng tuyển ở các nền tảng tuyển dụng truyền thống thì khả năng tìm được công việc phù hợp là rất khó. Nếu sử dụng nhiều nền tảng, am hiểu quy trình tuyển dụng hiện đại có thể giúp ứng viên tăng cơ hội tìm được công việc và nhận được phản hồi từ nhà tuyển dụng sớm hơn.
Ứng viên cũng cần nhớ rằng các nhà tuyển dụng hiện nay sẽ xem xét các tài khoản mạng xã hội, blog cá nhân, phân tích hình ảnh của ứng viên... để đánh giá tính cách, tác phong trước khi quyết định gọi phỏng vấn. "Do đó, ứng viên cần có tài khoản LinkedIn (mạng xã hội việc làm), trong đó giới thiệu đầy đủ về kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn, kỹ năng và thành tích đạt được. Đây cũng là nền tảng giúp ứng viên tiếp cận được nhiều cơ hội phù hợp được giới thiệu trực tiếp từ nhà tuyển dụng hoặc các gợi ý kết nối theo thuật toán của nền tảng việc làm toàn cầu này" - bà Linh gợi ý.
Bình luận (0)